Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu mua sắm của người dân bắt đầu tăng cao. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh ở các cửa hàng, điểm bán, chợ truyền thống… sôi động hẳn.
Sức mua tăng từng ngày
Theo Cục Thống kê Phú Yên, trong năm 2020, hoạt động thương mại chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19, tình hình mua sắm giảm. Song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 34.249 tỉ đồng; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt hơn 28.709 tỉ đồng, tăng 7,8% và mức bán lẻ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán có đóng góp đáng kể. |
Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này, không khí mua sắm của người dân trở nên sôi động hơn so với thường ngày. Nhất là tại trung tâm TP Tuy Hòa, người người đi lại mua sắm ở cửa hàng, siêu thị; xe cộ lưu thông nhộn nhịp trên khắp các tuyến đường. Hiện các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất gồm: giày dép, quần áo thời trang, phụ kiện, thực phẩm khô, chén bát, đồ dùng.
Cũng như các gia đình khác, những ngày gần đây, mấy mẹ con bà Ngô Thị Mai ở phường 4 (TP Tuy Hòa) cứ rảnh lúc nào là đi lòng vòng, mua hết thứ nọ đến thứ kia. Dù biết tốn kém nhưng gia đình cũng không thể không mua vì mỗi năm, Tết chỉ đến một lần. Theo bà Mai, đối với các gia đình, tuy chỉ vài ngày Tết nhưng nhà nào cũng phải sắm sửa nhiều thứ, nào là quần áo, giày dép, mũ nón cho các thành viên trong gia đình; nào là thực phẩm, gia vị, bánh kẹo… để làm mâm cúng, đãi khách. Riêng thực phẩm tươi sống thì thường tập trung mua vào khoảng 20 tháng Chạp đến cận Tết.
Do ở xa nên gia đình chị Nguyễn Thị Hiển ở xã An Hiệp, huyện Tuy An tranh thủ ngày thứ 7, chủ nhật để vào Tuy Hòa mua sắm. “Thứ 7, chủ nhật vừa rồi, vợ chồng tôi chở các con vào chợ Tuy Hòa sắm đồ Tết. Cuối năm tất bật đủ thứ việc nên năm nào gia đình cũng tranh thủ mua quần áo cho các con sớm, rồi sau đó mới mua đồ ăn, thức uống, chưa kể mua thêm đồ đạc để trang hoàng nhà cửa”, chị Hiển nói.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, hiện các cửa hàng, siêu thị… đã nhập hàng, chuẩn bị đủ mọi thứ để phục vụ dịp Tết này. Ông Trần Minh Hiệp, chủ cửa hàng gia dụng ở phường 4, TP Tuy Hòa, cho hay: Ngày thường, hàng hóa không bán được bao nhiêu, đa phần tập trung vào những ngày cận Tết. Nếu tính số lượng người mua thì mỗi ngày cửa hàng tôi có khoảng 30-40 người vào xem và mua hàng, trong khi ngày thường chỉ 5-7 người. Năm nay, đồ gia dụng có nhiều mẫu mã mới và giá cũng tương đối phù hợp với túi tiền của người dân. Còn theo bà Lê Thị Yên, tiểu thương hàng thực phẩm khô, la gim chợ Tuy Hòa, những ngày qua, không khí mua sắm ở chợ đã được cải thiện nhiều, người mua ngày một tấp nập hơn, không còn ế ẩm như trước. Hàng hóa, thực phẩm cũng phong phú, không lo thiếu. “Hy vọng sức mua của người dân sẽ tiếp tục tăng từ đây đến giáp Tết Nguyên đán”, bà Yên nói.
Tạo điều kiện để người dân mua sắm
Không chỉ TP Tuy Hòa mà tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, không khí mua sắm Tết cũng bắt đầu sôi động. Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Ban quản lý chợ Chí Thạnh, huyện Tuy An cho hay: Ở chợ Chí Thạnh thì đồ dùng, thực phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm, mỹ phẩm, vải… được nhiều người dân chọn mua trong thời điểm này. Nhằm giúp tiểu thương, người dân thuận tiện mua bán, Ban quản lý chợ đã phân công nhân viên trực, theo dõi thường xuyên hoạt động kinh doanh hàng ngày tại chợ; đồng thời sắp xếp vị trí ngồi theo từng ngành hàng. Với khu vực kinh doanh không cố định, chúng tôi cũng yêu cầu người bán thực hiện theo bố trí của Ban quản lý chợ để đảm bảo trật tự kinh doanh. Đặc biệt trong dịp Tết, Ban quản lý chợ sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nội quy chợ, bố trí thêm điểm giữ xe và không để xảy ra tình trạng trộm cắp, gây mất trật tự… ở khu vực chợ.
Đại diện một số địa phương cho biết, hiện giá các loại hàng hóa trên thị trường vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu biến động bất thường. Với sức mua ngày càng tăng, các địa phương sẽ tích cực phối hợp với ngành chức năng, đội quản lý thị trường tại địa phương kiểm tra, kiểm soát thị trường, liên tục theo dõi, giám sát hoạt động mua bán ở các chợ, cơ sở kinh doanh để kịp thời chấn chỉnh sai phạm có thể xảy ra từ đây đến trước, trong và sau Tết cổ truyền.
Theo Sở Công thương, từ đầu tháng 12, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phụ trách quản lý thương mại phối hợp với Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng các địa phương, ban quản lý các chợ triển khai công tác quản lý, nắm bắt tình hình và kiểm soát hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa của từng cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Các đơn vị cũng đẩy mạnh truyền thông để người dân đề phòng và cảnh giác với các đối tượng, hình thức gian lận thương mại. Sở Công thương khuyến cáo người dân thận trọng trong quá trình mua hàng để bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình; không lơ là, mất cảnh giác hay tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo; mạnh dạn tố cáo, thông tin cho cơ quan chức năng nếu phát hiện sai phạm.
VÕ PHÊ