Sau một năm thành lập với sự hỗ trợ tối đa của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX Phú Yên và sự nỗ lực tự thân, HTX Lâm nghiệp công nghệ cao (CNC) Phú Yên là mô hình thí điểm đầu tiên cả nước đạt những kết quả khả quan, theo ngành hàng, chuỗi giá trị và ứng dụng CNC.
![]() |
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 1 năm thành lập HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Tháng 6/2019, Liên minh HTX Phú Yên và Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên (Công ty Bảo Châu) ký kết chương trình liên kết hợp tác phát triển HTX lâm nghiệp chuỗi giá trị và tạo vùng nguyên liệu lâm nghiệp bền vững. Hai đơn vị xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai, khảo sát toàn bộ diện tích rừng trồng, các HTX, doanh nghiệp có hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền vận động thành lập mô hình HTX lâm nghiệp quy mô cấp tỉnh. Tháng 10/2019, HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên được thành lập. Mô hình này được Liên minh HTX Việt Nam chọn là mô hình thí điểm toàn quốc.
Những kết quả bước đầu
Mục tiêu mà HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên, cũng như Liên minh HTX tỉnh đặt ra là phát triển chuỗi giá trị lâm sản quy mô lớn để phát triển bền vững, hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp khép kín từ đầu vào cây giống cho đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tham gia quản lý điều hành HTX. Thông qua mô hình HTX, thực hiện mục tiêu dồn điền, tập trung diện tích để đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào các khâu nhằm tăng năng suất, sản lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm gỗ Phú Yên.
Doanh nghiệp thành viên HTX, chịu trách nhiệm khâu bao tiêu sản phẩm gỗ trồng là Công ty Bảo Châu, doanh nghiệp chuyên hoạt động trồng rừng và chế biến gỗ. Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Châu, đồng thời là Chủ tịch HĐQT HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên, cho biết: “Doanh nghiệp Bảo Châu tham gia góp vốn vào HTX 20%, cam kết bao tiêu 100% sản lượng gỗ của các thành viên với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường; hỗ trợ các thành viên thực hiện quy trình cấp chứng chỉ rừng; bảo lãnh tín dụng, tư vấn kỹ thuật và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế…”.
Với mô hình HTX lâm nghiệp quy mô cấp tỉnh theo ngành hàng đầu tiên cả nước, phát triển chuỗi giá trị, HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam. Năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ 400 triệu đồng để HTX xây dựng hai vườn ươm, tạo nguồn cung cấp giống cho các hộ thành viên trồng rừng. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam đã tạo điều kiện cho 2 HTX lâm nghiệp xây dựng chuỗi giá trị bền vững với tổng kinh phí vay 15,8 tỉ đồng; trong đó, HTX Lâm nghiệp An Xuân là 1,6 tỉ đồng, HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên 14,2 tỉ đồng. Liên minh HTX Phú Yên tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ như quỹ đất xây dựng vườn ươm, quỹ đất xây dựng trụ sở, kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở theo quy định hỗ trợ phát triển HTX.
Ông Phan Thế Quốc, Phó Tổng Giám đốc HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên, cho biết: Đơn vị nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp. Bộ máy quản lý HTX đi vào hoạt động quy củ, không ngừng phát triển số lượng thành viên. Từ 26 thành viên ban đầu (18 thành viên cá nhân, 8 thành viên pháp nhân gồm 4 HTX, 4 doanh nghiệp), với số vốn hoạt động là 26 tỉ đồng, sau một năm, đến nay đã có 95 thành viên, số vốn hoạt động trên 40 tỉ đồng. Tổng diện tích rừng trồng theo chuỗi giá trị là 4.705ha. HTX đã tổ chức thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho thành viên về vốn đầu tư trồng rừng, cung cấp giống theo tiêu chuẩn, đầu tư máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất…
Hướng tới các dự án phát triển bền vững
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên, nhận xét: “Sau một năm thành lập và đi vào hoạt động, HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên bước đầu đạt được những kết quả khích lệ, nhất là công tác phát triển thành viên và xây dựng các dự án chiến lược. Với những lợi ích trước mắt và chiến lược phát triển của HTX gắn với chuỗi giá trị bền vững, ngày càng nhiều cá nhân, tập thể tham gia HTX”.
Để hình thành vùng nguyên liệu bền vững, xây dựng thành công chuỗi giá trị lâm nghiệp, HĐQT, Ban Giám đốc HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong năm 2021 cũng như những năm tiếp theo. Đó là: Hoàn thiện dự án vườn ươm, đáp ứng nhu cầu cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho các thành viên; xúc tiến xây dựng hệ thống nhà máy phân bón hữu cơ cung ứng cho việc trồng rừng; đẩy mạnh các dịch vụ cung ứng vật tư lâm nghiệp cho các hộ thành viên với giá ưu đãi, thấp hơn thị trường từ 10-20%; triển khai dự án trồng dược liệu dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập cho các hộ trồng rừng…
“Trong năm 2021, HTX quyết tâm tập trung xây dựng mô hình vùng trồng rừng có diện tích lớn quy mô trên 500ha/vùng, để các thành viên có thể hưởng được các chính sách ưu đãi về lâm nghiệp, HTX như: được tạo điều kiện vay vốn trồng và chăm sóc rừng, cung ứng giống cây trồng, vật tư lâm nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn CNC, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất…”, ông Phan Thế Quốc cho biết thêm.
HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên là mô hình thí điểm về HTX lâm nghiệp ngành hàng đầu tiên của Việt Nam, nên có lợi thế của người tiên phong, được sự hỗ trợ tối đa từ các chính sách của Nhà nước. Nhưng cũng nhiều khó khăn vướng mắc, vì vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. HTX cần kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động hiệu quả của bộ máy; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, làm chắc từng khâu; tạo dựng niềm tin với nông dân, các hộ thành viên bằng uy tín. Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng cần xem đây là trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế tập thể, từ đó tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với ngành lâm nghiệp và HTX.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh |
TRẦN QUỚI