Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Ea Bar, huyện Sông Hinh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao, trong đó nổi bật là mô hình nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm.
![]() |
Ông Trần Văn Hoan (đứng giữa) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi với các hộ dân trong xã. Ảnh: Y BÔNG |
Ông Trần Văn Hoan, hội viên nông dân thôn Chư Blôi là người đưa ốc nhồi (ốc bươu đen) về nuôi đầu tiên tại xã Ea Bar. Năm 2019, được tham quan các mô hình phát triển kinh tế tại tỉnh Đắk Lắk, thấy việc nuôi ốc nhồi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, ông Hoan mua con giống về nuôi thử nghiệm.
Bắt đầu từ những cặp ốc bố mẹ, ông vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật qua internet, sách, báo. Sau 6 tháng, đàn ốc phát triển nhanh, trừ chi phí trung bình 1.000m2 ao nuôi ốc cho lãi từ 70-80 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, ông đã chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nông dân trong thôn, xã với mong muốn nhân rộng mô hình để cùng nhau làm giàu. Hiện gia đình ông đang nuôi 40 vạn ốc bố mẹ trên diện tích ao 2.000m².
Theo ông Hoan, nuôi ốc nhồi vốn đầu tư ít, đầu ra ổn định, dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trong ao, hồ tự nhiên. Ao nuôi cần đắp đất, trồng cỏ kín xung quanh ao, mặt nước thả bèo. Đến giai đoạn sinh sản, ốc nhồi chọn các điểm nhiều bèo để đẻ trứng. Thời gian sinh trưởng của ốc khoảng 2 tháng. Đầu ra hiện tại là thị trường Đà Nẵng và Hà Nội.
Ngoài nuôi ốc nhồi thương phẩm, ông Hoan còn cho ấp trứng ốc để tạo nguồn ốc giống nhân ra diện tích ao của gia đình.
Trước khi tiến hành thả ốc giống, ao hồ nuôi cần được nạo vét sạch. “Ốc nhồi có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn là bèo tấm, lá cây, các loại rau, củ, quả dễ tìm, chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Hoan nói.
Ông Ksor Y Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar, cho biết: “Mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình ông Trần Văn Hoan là một mô hình kinh tế mới, rất có triển vọng ở địa phương, được nhiều bà con trong và ngoài xã đến tham quan và học hỏi”.
Hiện đã có một số hộ nông dân có diện tích đất ao canh tác kém hiệu quả đã liên kết với nhau nuôi ốc trên diện tích khoảng 30.000m2; dự kiến sẽ cho thu nhập cao và ổn định sản xuất trong thời gian tới.
Y BÔNG