Xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng thực thẩm an toàn, nhất là sản phẩm đặc sản trên địa bàn là hình thức đã và đang được ngành Công thương khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dần hướng tới để cho ra thị trường sản phẩm chất lượng, bảo vệ sức khỏe người dùng.
Từ sản xuất an toàn
Trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều cơ sở, hộ gia đình mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đặc sản. Sau một thời gian kinh doanh, nắm bắt thị hiếu người dùng cũng như những yêu cầu về kiểm định chất lượng, cạnh tranh thị trường… nhiều chủ hàng đã mạnh dạn đầu tư, thay đổi dần hình thức cung ứng để tạo sự khác biệt đối với thực phẩm, đặc sản địa phương do mình cung cấp. Theo chủ các cơ sở, nếu chỉ tiếp nhận, lấy thực phẩm từ nơi khác về bán, nhưng muốn xây dựng nhãn mác, ổn định chất lượng thì rất khó và tốn nhiều chi phí. Để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, nâng cao tính cạnh tranh, phục vụ sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng thì cần thiết thay đổi dần tư duy kinh doanh.
Mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng thịt heo an toàn, trong 2 năm qua, bà Phạm Thị Hằng Vy, chủ Siêu thị V’Mart (đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa) đã mạnh dạn đầu tư kinh phí khá lớn cho công tác liên kết với một số trang trại nuôi heo ở TX Sông Cầu nhằm đảm bảo nguồn heo thịt có chất lượng phân phối ra thị trường trong tỉnh. Bà Vy cho biết: Từ heo nuôi ở các trang trại này, chúng tôi đưa vào lò giết mổ, cho ra thịt tươi, rồi làm sạch, đóng gói, bảo quản lạnh. Trước khi cung cấp cho người tiêu dùng, sản phẩm thịt heo đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm định chất lượng.
Bên cạnh đó, do xây dựng chuỗi hệ thống từ khâu nuôi, lấy thịt… nên chúng tôi có thể tự giám sát, kiểm soát được chất lượng sản phẩm mình cung cấp. Siêu thị cũng cam kết đảm bảo các khâu, có thể truy xuất nguồn gốc; đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng thịt heo bán ra thị trường. Từ khi xây dựng mô hình này, bình quân mỗi ngày, cơ sở cung cấp khoảng 500kg thịt thương phẩm, tiêu thụ chủ yếu tại TP Tuy Hòa. Tôi nghĩ, với xu hướng tiêu dùng thông minh, nếu sản phẩm hướng đến tiêu chí an toàn sẽ được người tiêu dùng quan tâm, đón nhận.
Thực hiện theo hình thức tự kiểm soát chất lượng sản phẩm bò khô một nắng, bà Lê Thị Hằng, chủ cửa hàng Đặc sản Phú Yên - Lê Hằng (phường 7, TP Tuy Hòa), chọn nguyên liệu thịt bò tươi ở vùng đất Sông Hinh, Sơn Hòa và trực tiếp thực hiện các công đoạn tiếp theo. Chia sẻ về cách làm này, bà Hằng cho hay: Tôi chọn và đặt hàng các cơ sở nuôi, cung cấp thịt bò tươi ở 2 huyện trên. Với số lượng thịt bò tiếp nhận hàng ngày, chúng tôi tự sơ chế, rồi cho vào máy sấy công nghiệp tại xưởng sản xuất ở huyện Tây Hòa. Sản phẩm thành phẩm, chúng tôi đem bao gói, hút chân không và thực hiện các bước bảo quản khác.
Trước khi bán ra thị trường, sản phẩm bò một nắng Lê Hằng đã đăng ký kiểm định chất lượng, đủ điều kiện lưu hành và điều kiện về an toàn thực phẩm. Cùng với sản phẩm bò một nắng, chúng tôi cũng đang trong quá trình tự sản xuất nước mắm nhỉ nguyên chất. Thay vì lấy thực phẩm ở cơ sở khác về bán sẽ khó kiểm định chất lượng thì chúng tôi tự mua nguyên liệu, tự muối và cho ra nước mắm “nhà làm”.
![]() |
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch sẽ góp phần giúp các cơ sở nâng giá trị sản phẩm. Trong ảnh: Thực phẩm sạch bán tại một siêu thị ở TP Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ |
Đến nâng giá trị sản phẩm
Thực tế, để bảo vệ thương hiệu, đưa thực phẩm chất lượng ra thị trường thì mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn ngày càng được các cơ sở, hộ kinh doanh hướng tới và phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Ông Trần Nguyễn Hữu Vinh ở khu phố Ngô Quyền, phường 5, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Trước thực trạng ngày càng nhiều thực phẩm mất an toàn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì việc các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc sản tự sản xuất, chế biến theo hướng đảm bảo an toàn sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn.
Theo các ngành chức năng của tỉnh, trước đây, tại TP Tuy Hòa có một số cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn như Cửa hàng thực phẩm sạch - Nhà hàng Tuy Hòa Phố - Cơm trưa Ngân Quỳnh (kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các món ăn đặc sản: gà nướng đất sét, nai nướng chao, nhím hấp, thịt trâu nhúng mẻ, gác bếp), hay Cửa hàng thực phẩm Sơ Thứ (cung cấp thịt gia súc, gia cầm tươi)… Tuy cam kết đảm bảo các tiêu chí an toàn trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản nhưng do khó khăn về tiêu thụ nên các cơ sở chưa thể duy trì mô hình lâu dài. Rút kinh nghiệm từ những người đi trước, hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các cơ sở kinh doanh sẽ từng bước nâng cao giá trị, chất lượng cho sản phẩm mình cung cấp, phân phối.
Thực phẩm, sản phẩm đặc trưng, đặc sản là mặt hàng được ưa chuộng, có tiềm năng và có thể mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, người bán cần quan tâm hơn đến thương hiệu, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đảm bảo các yếu tố này, việc hình thành các chuỗi hệ thống sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn luôn được ngành Công thương khuyến khích đẩy mạnh; góp phần khắc phục tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương |
VÕ PHÊ