Việc không đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp sẽ tạo kẽ hở để kẻ gian trục lợi, khiến các đơn vị sản xuất chịu thiệt trong các vụ tranh chấp bản quyền, gây khó khăn trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT).
Lớn mạnh nhờ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp
Nhờ thế mạnh về điều kiện tự nhiên và truyền thống sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, Phú Yên có tiềm năng lớn về các đặc sản vùng miền, sản phẩm đặc trưng. Việc xây dựng và bảo hộ sở hữu công nghiệp cho sản phẩm chủ lực của tỉnh giúp khai thác tối đa giá trị của sản phẩm, đưa danh tiếng sản phẩm vang xa.
Kết tinh trong điều kiện lý tưởng ở đầm Ô Loan, sò huyết nơi đây từ lâu đã trở thành món đặc sản của Phú Yên. Khác với những vùng khác, sò huyết đầm Ô Loan có màu đỏ tươi, vỏ sò có màu trắng xám, kích thước to, dày thịt, huyết nhiều, ngon ngọt và đậm vị. Danh tiếng của món này không chỉ gói gọn ở địa phương, mà nhiều du khách ngoại tỉnh hoặc du khách nước ngoài khi ghé đến cũng đều tìm để thưởng thức.
Tháng 2/2018, Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sò huyết Ô Loan. Việc bảo hộ này không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ địa lý của hàng hóa, có niềm tin về chất lượng của sản phẩm mà còn giúp đưa danh tiếng của sản phẩm đi xa kèm theo đó là giá trị kinh tế cao hơn hẳn những sản phẩm cùng loại thông thường.
Bò một nắng muối kiến vàng Phú Yên hiện không chỉ nổi tiếng ở trên địa bàn tỉnh mà còn được bán ở rất nhiều tỉnh thành, trở thành một trong những đặc sản hàng đầu được nhiều người tin dùng. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị mà sản phẩm bò một nắng mang lại, năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên. Vừa qua, sản phẩm bò một nắng được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Ông Phạm Văn Hổ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý cho biết, tháng 9/2020, sản phẩm bò một nắng của A Lý được dán logo chứng nhận nhãn hiệu Bò một nắng Phú Yên. Từ khi có chứng nhận nhãn hiệu, trong thời gian ngắn, lượng bò một nắng tiêu thụ của cơ sở tăng từ 2 tấn lên 2,5-3 tấn/tháng mặc dù thị trường vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch COVID-19. “Nhờ có nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm bò một nắng của A Lý có đủ cơ sở pháp lý cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng nên tôi rất tự tin khi quảng bá, kết nối sản phẩm ở các thị trường ngoài tỉnh”, ông Phạm Văn Hổ nói.
Đơn vị sản xuất, dịch vụ không nên lơ là
Ông Trần Văn Nho, Chánh Thanh tra Sở KH-CN cho biết, trong nền kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hàng hóa và dịch vụ, vai trò của nhãn hiệu, tên thương mại ngày càng trở nên quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại giữa các đơn vị khác nhau.
Tuy nhiên, hiện nay, điều đáng lo ngại là hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa nhưng lại… quên mất khâu đăng ký bảo hộ. Đây sẽ là kẽ hở để kẻ gian trục lợi, khiến doanh nghiệp chịu thiệt trong các vụ tranh chấp bản quyền cũng như gây khó khăn trong xử lý vi phạm SHTT.
Vài năm trước Phú Yên xảy ra một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến SHTT. Cụ thể, một đối tượng tại huyện Phú Hòa đã đăng ký bảo hộ 32 tên thương mại, nhãn hiệu mà trước đó đã được các đơn vị kinh doanh trong và ngoài tỉnh xây dựng thành thương hiệu nhưng chưa đăng ký bảo hộ.
Sau khi đăng ký và được bảo hộ thành công tên thương mại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (có cơ sở tại TP Hồ Chí Minh), đối tượng này khởi kiện lên thanh tra Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh và sau đó, Emcas buộc phải tháo bảng hiệu vì vi phạm Luật SHTT. Dù đã đăng ký kinh doanh, có tên thương mại nhưng trên thực tế Emcas chưa đăng ký bảo hộ nên bị người khác đăng ký mất dẫn đến chủ sở hữu đứng trước nguy cơ mất tên thương mại (bệnh viện đã hoạt động lâu và tạo được uy tín).
Emcas sau đó phải nhờ sự vào cuộc của thanh tra Sở KH-CN tỉnh Phú Yên. Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, đoàn thanh tra nhận thấy đối tượng hiện sở hữu tên thương mại Emcas đã không trung thực, có ý đồ xấu. Cụ thể, cái được gọi là Bệnh viện thẩm mỹ Emcas chỉ là căn nhà cấp 4 tại huyện Phú Hòa, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh, dịch vụ nào. Mất gần 1 năm, Cục SHTT mới thu lại văn bằng bảo hộ của đối tượng vi phạm và gần đây mới cấp lại văng bằng bảo hộ cho Emcas.
Ở một diễn biến khác, Công ty TNHH Thu Thảo (TP Tuy Hòa) khi cho ra thị trường sản phẩm bánh đồng tiền đã nhanh chóng đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu và phát triển thành thương hiệu được nhiều người tin dùng. Sau đó, thấy sản phẩm này tiêu thụ mạnh, một cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh đã làm giả sản phẩm và tung ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của bánh đồng tiền Thu Thảo.
Đại lý độc quyền bánh đồng tiền tại TP Hồ Chí Minh sau đó phát hiện có bánh làm giả lưu thông trên thị trường và đã trao đổi với phía đơn vị sản xuất. Công ty TNHH Thu Thảo sau đó cử đại diện vào tận nơi để xem xét sự việc. Vì Thu Thảo được bảo hộ nhãn hiệu nên đã dùng các biện pháp để bảo vệ quyền SHTT của mình. Sợ bị khởi kiện ra tòa và xử lý theo các biện pháp dân sự, cơ sở này đã ngưng hoạt động làm giả bánh đồng tiền Thu Thảo.
Nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng của Nhà nước sẽ tạo niềm tin với người tiêu dùng, giúp các cơ sở sản xuất có nhiều cơ hội để phát triển, tiêu thụ sản phẩm, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có sản phẩm được đăng ký.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN |
THÁI HÀ