Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát hoạt động đại lý bảo hiểm; những trường hợp “ép” khách mua bảo hiểm nhân thọ hoặc các loại bảo hiểm khác mới đồng ý cấp tín dụng sẽ bị xử lý nghiêm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khi chào bán bảo hiểm, nhân viên ngân hàng phải giải thích cụ thể để khách hiểu đúng quyền lợi, cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán đi kèm của hợp đồng bảo hiểm.
Động thái chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh bán bảo hiểm qua ngân hàng, sau khi ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm lớn. Việc chạy đua “săn” khách hàng mua bảo hiểm sẽ giúp ngân hàng gia tăng nguồn thu. Tuy nhiên, do kỳ vọng cao vào mảng bảo hiểm, nhiều ngân hàng giao chỉ tiêu xuống các chi nhánh rất cao, đến lượt các chi nhánh lại “ép” chỉ tiêu xuống các phòng giao dịch rồi chia bình quân cho các nhân viên. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu được giao, nhân viên ngân hàng bằng mọi cách bán cho được bảo hiểm thay vì tư vấn đầy đủ để khách hàng lựa chọn nếu họ có nhu cầu.
Theo đại diện các ngân hàng thương mại, ngân hàng không có bất cứ quy định nào bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới ký hợp đồng vay vốn. Tuy nhiên trên thực tế, không ít nhân viên ngân hàng đã tư vấn theo kiểu “ép” khách phải mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay, hoặc phải mua bảo hiểm mới được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi. Từ đó dẫn đến nhiều trường hợp ký hợp đồng bảo hiểm theo kiểu “đối phó”, chỉ đóng phí năm đầu để được cấp tín dụng rồi hủy. Cách làm này không những khiến khách hàng mất quyền lợi mà vô hình trung còn khiến hình ảnh của bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ trở nên “xấu xí” và lệch lạc trong mắt người dân.
Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa cho biết, việc ngân hàng lựa chọn hợp tác với các công ty bảo hiểm để tăng nguồn thu dịch vụ được xem là xu thế tất yếu hiện nay. Điều này không chỉ mang lại doanh thu cho ngân hàng mà còn mang lại lợi ích cho khách hàng. Bởi trong thời gian vay vốn, nếu chẳng may khách hàng gặp rủi ro bất khả kháng, không trả được nợ vay thì công ty bảo hiểm sẽ đứng ra trả nợ thay cho khách hàng. Khi đó, ngân hàng không mất vốn, còn gia đình của khách hàng thì bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, việc mua kèm bảo hiểm phải xuất phát từ nhu cầu của người vay thì hợp đồng bảo hiểm mới được duy trì lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên. Còn nếu nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng vào thế “phải mua”, khách hàng sẽ bức xúc mà uy tín của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
VIỆT AN