Thứ Hai, 07/10/2024 15:20 CH
Sản phẩm làng nghề ở miền núi: “Chắp cánh” để vươn ra thị trường
Thứ Ba, 05/03/2019 13:00 CH

Chị Ngô Thị Mười giới thiệu sản phẩm mắm thơm cho khách hàng tại Hội chợ thương mại và du lịch Phú Yên - Ảnh: CTV

Đậu phộng, bò một nắng, mắm thơm, dệt thổ cẩm, mây tre đan, nghệ tươi, gạo đỏ, cây ăn trái… là những đặc sản ở vùng miền núi của tỉnh đã được nhiều người biết đến. Cùng với Chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề (OCOP), các nông sản này có thêm cơ hội tiếp cận thị trường, tăng hiệu quả kinh tế.

 

Đa dạng đặc sản

 

Theo UBND tỉnh, hiện 3 huyện miền núi có 8 sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình OCOP, gồm: Bò một nắng, mắm thơm của huyện Sơn Hòa; dệt thổ cẩm, mây tre đan, đậu phộng của huyện Đồng Xuân; heo đen, du lịch sinh thái thác H’Ly, du lịch sinh thái buôn Lê Diêm của huyện Sông Hinh. Các sản phẩm này được hỗ trợ xúc tiến thương mại, ưu đãi lãi suất tín dụng, khoa học công nghệ… Còn các sản phẩm khác cũng đang được các cấp, ngành lựa chọn và có hướng đầu tư phù hợp. Đây là cơ hội để đặc sản vùng miền núi tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Thổ cẩm của đồng bào Ê Đê, Ba Na ở 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân luôn thu hút khách thập phương. Những trang phục truyền thống này cùng với hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh chọn làm sản phẩm đặc trưng tham gia Chương trình OCOP của tỉnh. La Lan Thị Mến ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho biết: Trong nhà đồng bào Ba Na, hễ có con gái lớn là phải có khung dệt. Những cô gái này làm trang phục cho cả nhà mặc mỗi dịp lễ mừng lúa mới hay đi lấy chồng. Màu sắc, đường kim mũi chỉ thể hiện sự khéo léo của mỗi chị em.

 

Nuôi heo đen trong các hộ đồng bào ở huyện Sông Hinh đã có từ rất lâu và nay trở thành sản phẩm làng nghề truyền thống. Theo Ma Gen ở xã Ea Lâm, ở đây nhà nào cũng có ít nhất 1-2 con heo đen. Ngày trước, bà con quen thả rông, heo tự vô rừng, rẫy tìm thức ăn rồi sinh sản. Chúng nhớ đường thì tìm về, còn không thì đi mất. Nay được hướng dẫn làm chuồng trại nuôi heo, bà con cũng giữ gìn vệ sinh chung.

 

Sản phẩm mắm thơm ba xã (Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân) ở huyện Sơn Hòa đã nức tiếng khắp nơi. Từ thực phẩm dự trữ của người vùng cao vào những ngày mưa bão, nay trở thành món đãi khách, làm quà cho người phương xa đến. Theo ông Phạm Văn Hải ở xã Sơn Long, vườn nhà nào cũng trồng một ít thơm làm nguyên liệu ủ mắm. Bà con dùng mắm thơm làm nước chấm và chế biến thành nhiều món như mắm thơm kho thịt gà, thịt heo, cá… Món nào cũng ngon, lạ miệng với hương vị riêng không đâu có.

 

Bên cạnh những sản phẩm đã được địa phương chọn làm sản phẩm tiêu biểu, còn có những đặc sản tuy được biết tới từ rất lâu nhưng chưa có thương hiệu như gạo lúa đỏ, cây ăn trái… Gạo lúa đỏ hay còn gọi là lúa rẫy được trồng tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và các xã miền núi An Thọ, An Lĩnh, An Xuân của huyện Tuy An.

 

Bà Nguyễn Thị Mây, chủ nhà hàng Mây Tím ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), cho biết: Quán giữ chân được khách phương xa nhờ món cơm gạo đỏ ăn với thịt nướng giấy bạc. Nhiều khách ăn xong còn đặt mua hộ hàng chục ký gạo đem về gia đình sử dụng hoặc làm quà biếu. Gạo đỏ được trồng ở vùng gò đồi, khô hạn, không dùng thuốc trừ sâu nên chất lượng gạo cao và sạch. Ai cũng ưa dùng dù giá từ 18.000-20.000 đồng/kg, cao hơn gạo thường.

 

Nâng tầm sản phẩm

 

Người có công xây dựng thương hiệu Mắm Thơm, để sản phẩm truyền thống này có cơ hội vươn ra thị trường là chị Ngô Thị Mười (huyện Sơn Hòa). Chị Mười cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Khi đường sá thông thương, món mắm này gần như ngủ quên. Yêu quê, tôi quyết định đánh thức món ăn truyền thống này.

 

Phát huy kinh nghiệm làm mắm đã lĩnh hội từ nhỏ, cộng với tìm tòi học hỏi thêm từ những cụ lớn tuổi trong làng, tôi đã cho ra đời thương hiệu Mắm Thơm Út Mười vào năm 2016. Từ đó đến nay, tôi đã phân phối sản phẩm này tại các đầu mối thực phẩm, quà tặng du lịch và các nhà hàng đặc sản... Năm 2017, Mắm Thơm Út Mười được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

 

Heo đen, cây ăn trái ở huyện Sông Hinh cũng được nhân rộng và phát triển kỹ thuật chăm sóc khi địa phương này thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.

 

Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Từ 20ha cây ăn trái ban đầu, nay địa phương đã quy hoạch thành vùng chuyên canh cây ăn trái trên diện tích hơn 800ha. Với heo đen, từ 11 mô hình thử nghiệm ở các xã, nay hầu hết các hộ nuôi đã đầu tư xây chuồng trại, hình thành thói quen tiêm thuốc thú y định kỳ. Nhờ đó, heo sinh sản tốt, chất lượng thịt cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Sở NN-PTNT đã triển khai đề tài Bảo tồn và phát triển lúa gạo đỏ của huyện Tuy An. Đây sẽ là cơ sở để sản phẩm được xây dựng thương hiệu, trở thành đặc sản có mặt trên thị trường. Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, giống lúa gạo đỏ chứa nguồn gen quý nên việc bảo tồn thành công có ý nghĩa quan trọng để tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng trong tương lai.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek