Thứ Hai, 07/10/2024 19:29 CH
Ngành chế biến lâm sản đã vươn ra thế giới
Thứ Ba, 26/02/2019 07:00 SA

Sản xuất dăm gỗ tại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu ở KCN Đông Bắc Sông Cầu của Công ty TNHH Bảo Châu Phú Yên - Ảnh: ANH NGỌC

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn với chủ đề: Ngành Công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019. Tại diễn đàn này, các nhà quản lý, các chuyên gia và các doanh nghiệp đã phân tích, đánh giá sự thành công đối với chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản của cả nước trong năm 2018. Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên vinh dự là 1 trong 15 đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong cả nước được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 

Xuất khẩu gỗ, lâm sản đã vươn ra thế giới

 

Theo Bộ NN-PTNT, giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 9,3 tỉ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Theo đó, ngành chế biến gỗ và lâm sản đã chính thức vượt qua thủy sản, trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành Nông nghiệp. Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt ở thị trường 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 4.700 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ.

 

Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 ở châu Á và thứ 1 ở Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Uy tín của sản phẩm gỗ Việt Nam từng bước được khẳng định trên thị trường quốc tế, trong đó các thị trường nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước EU…

 

Ở tỉnh ta, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên (Công ty Bảo Châu) là đơn vị tiên phong phát triển trồng rừng kinh tế theo hướng bền vững. Năm 2017, doanh nghiệp này đã tham gia dự án Quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên cũng đã chính thức kết nạp Công ty Bảo Châu trở thành thành viên mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu.

 

Ngoài ra, Công ty Bảo Châu cũng được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ bền vững - FSC. Hiện công ty này đang quản lý khoảng 3.500ha diện tích rừng trồng, trong đó có hơn một nửa diện tích rừng trồng đã đưa vào khai thác.

 

Công ty Bảo Châu đang tiếp tục xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm cho nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, hướng đến xuất khẩu sang tất cả các thị trường lâm sản khó tính của thế giới.

 

Công ty Bảo Châu đang quản lý hai nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu, trong đó một nhà máy tại KCN Đông Bắc Sông Cầu và một nhà máy tại KCN An Phú. Theo doanh nghiệp này, viên nén năng lượng được nhiều quốc gia lựa chọn để có nguồn năng lượng sạch mà không cần đến các nguồn năng lượng khác. Điều này đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp chế biến lâm sản và các doanh nghiệp trồng rừng ở Phú Yên.

 

Ông Dương Tử Hảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo Châu, cho biết: Trước đây, những phế phẩm gỗ rừng trồng như vỏ cây, gỗ loại hay cây gỗ non bị gãy đổ sau bão… không dùng được gì ngoài làm củi đốt. Nay những phế phẩm này có thể chế biến thành viên nén năng lượng để xuất khẩu. Đó là lý do để công ty quyết định đầu tư hàng trăm tỉ đồng lắp đặt phân xưởng sản xuất viên nén năng lượng. Viên nén có kích cỡ nhỏ gọn, đường kính chưa đầy 1cm, rất tiện sử dụng. Mỗi kilôgam viên nén cho ra nguồn năng lượng từ 4.200-4.600 kcal và quan trọng hơn đây là năng lượng sinh học, thân thiện với môi trường.

 

Vì vậy, hiện nhiều quốc gia, nhất là các nước Bắc Âu lựa chọn viên nén năng lượng để sử dụng trong các lò sưởi hoặc dùng trong sản xuất công nghiệp, khoa học. Hiện thiết kế phân xưởng của nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ xuất khẩu Bảo Châu có công suất 30.000 tấn viên nén năng lượng/năm. Một khi được tận dụng tối đa một lượng lớn phụ phẩm gỗ rừng trồng sẽ làm tăng thêm giá trị. Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi lâu nay mức lợi nhuận từ 1ha rừng trồng trong 6 năm chỉ khoảng 30-40 triệu đồng thì nay tăng thêm khoảng 20-30% giá trị.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (bên phải) trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên - Ảnh: AN BANG

 

Tiếp tục đầu tư để phát triển bền vững

 

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có khoảng 191.950ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 129.570ha, rừng trồng hơn 62.380ha. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, diện tích rừng phòng hộ khoảng 102.720ha, rừng đặc dụng 19.440ha, rừng sản xuất 153.900ha, tỉ lệ che phủ rừng ở Phú Yên đạt 45%.

 

Để đạt được mục tiêu trồng rừng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều dự án, quy hoạch trồng rừng kinh tế cho các doanh nghiệp.

 

Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Châu, cho biết: Việc tham gia mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu sẽ thúc đẩy mối liên kết kinh doanh giữa các công ty và hỗ trợ hoạt động lâm nghiệp có trách nhiệm theo hướng bền vững. Mạng lưới kinh doanh này đưa ra các điều kiện thị trường rất khắt khe nhằm giúp bảo tồn rừng trong khi vẫn cung cấp lợi ích kinh tế - xã hội cho các doanh nghiệp và những người phụ thuộc vào rừng.

 

Hiện các sản phẩm gỗ chế biến của Công ty Bảo Châu hầu hết được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu hơn 10 triệu USD/năm. Mục tiêu của doanh nghiệp phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng diện tích rừng trồng lên khoảng 5.000ha theo quy hoạch phát triển rừng của tỉnh, xuất khẩu đạt trên 35 triệu USD, góp phần nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn sinh sống bằng nghề rừng.

 

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, thành công đối với ngành gỗ Việt Nam là đã dần chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến trong nước từ các diện tích rừng trồng. Năm 2018, tổng nguồn cung nguyên liệu gỗ là hơn 40 triệu m3 gỗ tròn, trong đó lượng gỗ trong nước khoảng 30 triệu m3 (chiếm khoảng 75%). Điều này thể hiện thành tựu của ngành Công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam là nâng cao được tỉ lệ sử dụng gỗ nội địa, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của nguồn cung nguyên liệu…

 

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN-PTNT, cho biết: Chưa bao giờ ngành chế biến gỗ và lâm sản đạt thành tích ấn tượng như năm 2018 vừa qua. Tuy nhiên, để giá trị xuất khẩu lâm sản giữ được vị trí cao, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ ổn định, cần tập trung mở rộng diện tích rừng trồng, nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ, sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững.

 

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Do đó, mục tiêu của ngành gỗ trong năm 2019 là phấn đấu tăng thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 1,5-1,7 tỉ USD so với năm 2018, để đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản từ 10,8-11 tỉ USD.

 

Tại diễn đàn ngành Công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019 có 41 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu được vinh danh. Trong đó có 15 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 26 tập thể và 5 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng NN-PTNT. Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên vinh dự là 1 trong 15 đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong cả nước được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thúc đẩy xuất khẩu lâm sản năm 2018.

 

AN BANG - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek