Thứ Hai, 28/10/2024 03:15 SA
Đẩy mạnh phát triển kênh bán lẻ, phân phối hiện đại
Thứ Năm, 03/08/2017 08:05 SA

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa - Ảnh: VÕ PHÊ

Những năm gần đây, các ngành chức năng, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ hiện đại. Cách làm này được người dân đồng tình hưởng ứng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Mở rộng hệ thống phân phối hiện đại

 

Thay vì mua hàng hóa, thực phẩm ở các chợ truyền thống hay điểm bán nhỏ lẻ như trước đây, hiện nay, người tiêu dùng quan tâm hơn và từng bước thích nghi với hình thức mua bán qua các cơ sở kinh doanh như siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tổng hợp… Bà Lê Thị Lệ Thu ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, bày tỏ: Lâu nay, khi muốn mua thực phẩm tươi sống, người dân trong xã thường mua của một số người ở nơi khác đến bán; còn nếu mua đồ chế biến sẵn, đồ dùng gia đình thì phải đến chợ. Nhưng nhà tôi cách chợ khá xa nên việc đi lại, mua sắm rất bất tiện. Mới đây, ở trung tâm xã có mở một cửa hàng tiện lợi bán đủ các loại hàng hóa nên chúng tôi chỉ việc đến đó mua, không phải đi xa như trước. Điểm bán này có máy tính tiền, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát nên người dân thoải mái xem, lựa chọn hàng.

 

Nắm bắt nhu cầu của người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, các doanh nghiệp, hộkinh doanh bắt đầu quan tâm hơn đến mô hình mua bán hiện đại này. Các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư xây dựng điểm bán cố định hoặc nâng cấp cơ sở cũ khang trang, tiện nghi hơn để phục vụ người mua, tạo văn hóa mua bán văn minh cho người dân. Theo một số điểm bán thì khi mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, doanh thu bán hàng cải thiện đáng kể. Ông Đặng Trường Giang, đại diện Siêu thị Gmart Sông Hinh, cho biết: “Hiện nay, trừ một số khu vực trung tâm thì ở các vùng nông thôn chưa có cửa hàng nào bán đầy đủ các mặt hàng. Nhận thấy, mô hình kinh doanh hiện đại có tiềm năng phát triển ở khu vực nông thôn nên tôi mở một điểm bán có quy mô như một siêu thị thu nhỏ ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Từ khi khai trương đến nay, doanh thu bán hàng của điểm bán luôn tăng trưởng đều khoảng 7%/tháng. Chúng tôi dự định đầu tư thêm một số cửa hàng nữa trong thời gian tới”. Còn ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, cho hay: Thực tế, sức mua của người dân ngày một tăng. Tuy nhiên, hiện Hệ thống Co.opMart chỉ có ở TP Tuy Hòa. Mỗi ngày, chúng tôi phục vụ hàng trăm khách hàng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Để thuận tiện cho việc mua sắm của người dân ở những vùng xa thành phố, dự định trong năm nay, chúng tôi sẽ tìm địa điểm phù hợp để mở chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.opFood ở các địa phương. Không chỉ có thực phẩm, siêu thị cũng đan xen các mặt hàng khác để phục vụ người tiêu dùng.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Hiện việc cung cấp hàng hóa qua các cửa hàng tiện lợi, siêu thị thu nhỏ được xem là hình thức bán lẻ hiện đại. Từ khi phát động xây dựng điểm bán này theo các tiêu chí được Bộ Công thương quy định, hầu hết doanh thu bán hàng của các cơ sở tốt hơn, góp phần nâng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh. Đặc biệt mô hình này cũng phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đối với hạ tầng thương mại nông thôn. Hiện sở phối hợp với các địa phương vận động, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng mô hình bán lẻ thông qua cửa hàng tiện lợi, tổng hợp hay siêu thị thu nhỏ. Điều này góp phần nâng số lượng điểm bán của tỉnh. Theo số liệu chúng tôi vừa thống kê, hiện toàn tỉnh có 2 siêu thị và gần 30 cửa hàng tiện lợi phủ khắp các địa bàn trong tỉnh (chưa kể các cửa hàng, điểm bán nhỏ hoạt động lâu nay).

 

Một điểm bán hàng cố định ở TP Tuy Hòa - Ảnh: VÕ PHÊ

 

Tiếp tục hỗ trợ

 

Các ngành chức năng cho rằng, việc xây dựng các điểm bán cố định, tiện nghi, có quy mô để phục vụ người tiêu dùng là một trong những điều kiện cần thiết hiện nay nhằm tạo một môi trường kinh doanh văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, các cơ sở phải làm thế nào để ngày càng nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về mặt này, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mong muốn cần được sự hỗ trợ của các ngành chức năng. Theo bà Ngô Thị Lợi, chủ một điểm bán cố định ở phường 5, TP Tuy Hòa, do vốn ít nên hàng hóa của cửa hàng chưa nhiều, khó cạnh tranh với các điểm bán khác. Mong muốn của bà là có thể tiếp cận với vốn vay ở ngân hàng, được ưu đãi các khoản thuế, hỗ trợ tuyên truyền, kệ hàng, biển hiệu…

 

Theo ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, hiện chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ 10-17% tùy theo địa bàn, lĩnh vực đầu tư. Còn với hộ kinh doanh sẽ áp dụng mức thuế khoán theo tỉ lệ trên doanh thu của từng lĩnh vực, ngành nghề. Hiện việc phân phối, cung cấp hàng hóa được áp dụng tỉ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%, tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.

 

Đối với vốn vay, hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều áp dụng chính sách ưu đãi vốn cũng như lãi suất vay cho các doanh nghiệp, hộgia đình có nhu cầu đầu tư kinh doanh. Theo đại diện Ngân hàng Vietcombank Phú Yên, đơn vị này đang thực hiện các gói vay tương ứng với từng đối tượng khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp. Theo đó, ngân hàng đang áp dụng mức vay ưu đãi lãi suất 6,5% đối với vay lưu động và 7,5 hoặc 8,6% trở lên với khách hàng vay cố định.

 

Về phía Sở Công thương, bà Nguyễn Thị Kim Bích cho biết thêm: Hiện nay, hệ thống bán lẻ, phân phối của tỉnh đang phát triển mạnh. Để duy trì và phát huy hiệu quả các điểm bán, sở luôn hỗ trợ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoạt động kinh doanh của các cơ sở; khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bộ Công thương đang nghiên cứu giải pháp ưu đãi thuế, mặt bằng..., tạo điều kiện để nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Dù vậy, các doanh nghiệp bán lẻ của tỉnh cần đẩy mạnh tham gia chuỗi liên kết bán lẻ, liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm giảm giá thành sản phẩm.

 

Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2017 tăng 6,1%, riêng tháng 7 tăng 3,85%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 7 tháng tăng 11,2%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa của tháng 7 tăng 13,6%. Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao gồm: lương thực thực phẩm 11,5%, may mặc 12,5%; đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình 14,9%...

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek