Thứ Tư, 05/02/2025 17:47 CH
Phá, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp
Thứ Ba, 11/07/2017 13:00 CH

Tại tiểu khu 66, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), một số cây có đường kính lớn bị lâm tặc chặt hạ - Ảnh: ANH NGỌC

Trước tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng và mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép phức tạp, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 

Có sự buông lỏng

 

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2017, nhiều diện tích rừng trong tỉnh đã bị lấn chiếm, với nhiều hình thức tinh vi; các đối tượng manh động hơn trước, thường xuyên chống đối lực lượng chức năng. Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa), cho biết: Các đối tượng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép ngày càng liều lĩnh. Để đối phó với lực lượng kiểm lâm, các đối tượng này cử người cảnh giới và thông tin qua điện thoại khi có cơ quan chức năng kiểm tra; thường phá rừng vào ban đêm. Trong khi đó, dọc quốc lộ 25 có nhiều tuyến đường dân sinh đi vào rừng, nên đơn vị gặp nhiều khó khăn để phát hiện việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. “Khi kiểm lâm phát hiện, các đối tượng này thường khai báo tên, tuổi, địa chỉ không đúng nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn để xác minh. Trong số các đối tượng phá rừng có đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn nên không có khả năng chấp hành các quyết định xử phạt hành chính”, ông Hoàng nói.

 

Theo UBND huyện Sơn Hòa, những vụ phá rừng thường xảy ra ở sâu trong các cánh rừng. Các đối tượng phát luống cây nhỏ, cưa hạ cây lớn rồi đốt, dọn đến đâu trồng keo, sắn, mía… đến đó. Gỗ khai thác trái phép thường tập kết tại các bến sông khu vực giáp ranh giữa huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) và Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Do công tác quản lý và bảo vệ rừng của một số địa phương và ngành chức năng chưa chặt chẽ đã khiến nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp dù đã được giao cho các tổ chức và cá nhân quản lý nhưng vẫn bị phá để lấy đất sản xuất.

 

Còn ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân cho rằng, nguyên nhân phát sinh nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng trong thời gian qua là hiệu quả kinh tế trồng rừng cao nên nhu cầu về đất để trồng rừng tăng. Phần lớn diện tích rừng bị phá đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng người dân nhận thức sai lệch về trạng thái rừng và đất lâm nghiệp. Trước đây, những diện tích đất lâm nghiệp bị tác động được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân là đất trống, còn hiện nay lớp thực bì đã phục hồi, phát triển thành rừng nhưng người dân vẫn xem là đất trống nên tiến hành phát dọn để trồng rừng. Trong khi đó, các ngành chức năng, địa phương và chủ rừng còn thiếu trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Việc giao đất lâm nghiệp thời gian qua ở Đồng Xuân còn nhiều bất cập, chính quyền địa phương thiếu kiểm tra hiện trạng thực tế nhưng vẫn xác nhận cho phát dọn thực bì.

 

Tỉnh chỉ đạo tăng cường bảo vệ rừng

 

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tổ công tác liên ngành cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, chủ rừng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép; không tham gia, tiếp tay, hỗ trợ cho các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Các ngành chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nhất là việc khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ gỗ trái phép. Rà soát, xác định địa bàn, đối tượng vi phạm, điều tra, xử lý ngay các phương tiện độ chế, hết niên hạn sử dụng dùng để vận chuyển lâm sản trái phép.

 

“Tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT sớm chấn chỉnh hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng, nhất là các tổ chốt chặn, kiểm lâm địa bàn và kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiếp tay, bao che cho các đối tượng hoặc để xảy ra điểm nóng phá rừng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế nhấn mạnh.

 

Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng kiểm lâm phát hiện và lập biên bản hơn 125 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phạt tiền hơn 2 tỉ đồng, tịch thu hơn 180m3 gỗ các loại. Các vụ phá rừng nghiêm trọng thường xảy ra tại các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 2, Xuân Long (huyện Đồng Xuân), Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), Sơn Long, Sơn Định, Ea Chà Rang, Suối Trai, Krông Pa (huyện Sơn Hòa), Ea Trol, Sông Hinh, Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh).

 

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek