Hiện giá mủ cao su được các thương lái mua với giá 10.500 đồng/kg mủ đông, tăng 500 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm ngoái, nhiều người trồng cao su ở huyện Sông Hinh, Sơn Hòa phấn khởi. Tuy nhiên người trồng vẫn lo vì giá mủ lên xuống thất thường.
Ông Lê Đức Đoàn ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), loay hoay trút mủ cao su cho hay: Mùa thu hoạch mủ này, trung bình mỗi ngày 1ha trút được 50kg mủ, bán với giá 10.500 đồng/kg, được 550.000 đồng.
Vườn cao su của ông Đoàn trồng trên 10 năm tuổi, cứ cách đêm cạo mủ một lần, một tháng cạo 15 lần mủ, thu nhập trên 8,2 triệu đồng, trừ chi phí mỗi hécta ông còn 6 triệu đồng. Trước đó, những năm 2013-2015, ông Đoàn cũng như nhiều người trồng cao su khác bỏ vụ thu hoạch vì giá mủ thấp, không đủ chi phí thuê nhân công.
Còn ông Lê Đức Phong, cũng ở xã Sơn Định, trồng 3ha cao su, bày tỏ: Cao su mỗi năm thu hoạch 6 tháng cạo mủ, như vậy mỗi hécta thu hơn 49 triệu đồng/vụ. Trừ lại các khoản chi phí, trong đó phân bón 10 bao, với giá 550.000 đồng/bao và 2 triệu đồng công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật nữa là hết 7,5 triệu đồng, còn lại bỏ túi hơn 42 triệu đồng/ha. Tôi trồng 3ha, tính ra thu trên 120 triệu đồng. Tuy nhiên cũng theo ông Phong, giá mủ tăng nhưng người trồng cao su vui mừng lẫn lo âu vì cũng thời điểm này năm ngoái giá mủ tăng nhưng sau đó hạ thấp, đến cuối vụ thu hoạch thì giá mủ tăng trở lại.
Bà Nguyễn Thị Thắm ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), phân trần: Cạo mủ cao su từ khi mở miệng đến lát thứ 8 cao su mới cho ra mủ đều (tức là cạo 8 lần mủ), còn từ lúc mở miệng đến lát thứ 7 thì mủ cho ra lúc nhiều lúc ít. Tuy nhiên, năm ngoái lúc cao su cho mủ đều là thời điểm giữa tháng 7 thì giá hạ thấp chỉ còn 8.000 đồng/kg mủ đông. Đến cuối vụ giá mủ “nhảy” lên 12.000 đồng/kg mủ đông, tuy nhiên số lượng mủ cuối vụ nông dân thu hoạch mót nên sản lượng không nhiều.
Hỏi về tình hình thu hoạch cũng như giá mủ cao su, ông Lê Đức Diện ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), giãi bày: 2 năm nay giá mủ cao su có tăng nên người trồng phấn khởi. Thế nhưng đối với năm nay, thời điểm thu hoạch mủ cao su rộ thì trời lại mưa nên khâu cạo mủ gặp khó. Nguyên nhân, khi cạo mủ mà gặp mưa thì miệng cạo không ra mủ mà khô lại, muốn lấy mủ phải cạo tiếp, điều này dẫn đến số lần cạo nhiều dẫn đến cây nhanh xuống sức.
Theo nhiều người trồng cao su, cách đây gần 10 năm, thời điểm giá mủ từ 27.000-30.000 đồng/kg, nhiều người đầu tư vốn trồng cao su, cuộc sống người trồng cao su phụ thuộc vườn cao su. Giá mủ hiện nay tăng 4.000 đồng so với cách đây 2 năm nhưng chỉ bằng 1/3 so với thời điểm “vàng son”; hiện giá mủ cũng lên xuống thất thường nên nhiều người lo vì thu nhập không ổn định để trang trải cuộc sống gia đình, nhất là nuôi con ăn học ở xa.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 3.999ha cao su, tập trung ở 2 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa. Trong số diện tích trên thì diện tích cho khai thác mủ thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền 1.800ha, số còn lại nhân dân tự trồng. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng chung của thị trường cao su thế giới và trong nước, giá mủ cao su liên tục hạ thấp, có lúc nhích lên nhưng vẫn còn ở mức thấp so với trước đây. Đối với những vườn cao su sinh trưởng phát triển tốt và trung bình đang thời kỳ kinh doanh, sở khuyến cáo giảm đầu tư phân bón, thay chế độ cạo mủ từ 1 ngày sang 3-4 ngày/lần để kéo dài tuổi thọ cây. Nông dân không nên mở rộng diện tích cây cao su so với quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, dẫn đến giá mủ xuống thấp.
TRÂM TRÂN