Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có HTX nào đủ điều kiện là HTX kiểu mới. Trong nỗ lực kiện toàn hoạt động cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã cùng các địa phương chọn được 9 HTX điểm để xây dựng các HTX kiểu mới.
Từ nền tảng hiện có
HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) trước năm 2012 còn hoạt động khó khăn, đến nay sau khi được củng cố đã bắt đầu có lãi. Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX này, cho biết: HTX có 5 dịch vụ gồm thủy lợi nội đồng, phân bón, lúa giống, cày đất, quản lý chợ. Tổng doanh thu gần 2 tỉ đồng/năm, cho lãi sau thuế hơn 120 triệu đồng/năm. Người lao động trong HTX có thu nhập bình quân 2,7 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, địa phương có 10 HTX, trong đó có 2 HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả là Xuân Sơn Nam và Xuân Phước. Cả hai HTX này đều đủ điều kiện củng cố thành HTX kiểu mới. Địa phương chọn HTX Xuân Phước, bởi đơn vị thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Người dân ở đây cần có HTX để liên kết sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ. Đồng thời năm nay, địa phương đăng ký xã Xuân Phước là xã nông thôn mới. Cùng với việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới ở xã thì tiêu chí 13 về mô hình sản xuất đạt hiệu quả gắn với HTX cũng sẽ được quan tâm.
TX Sông Cầu có 9 HTX và hầu hết HTX đều hoạt động yếu; chỉ có HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Thọ 2 là cơ bản về cả đội ngũ cán bộ, hoạt động dịch vụ nên đã thu hút được nhiều thành viên tự nguyện góp vốn. Theo bà Lê Thị Thu, Giám đốc HTX, đơn vị có 325 thành viên góp vốn, đưa tổng vốn điều lệ hiện có của đơn vị lên hơn 161 triệu đồng. Nhờ vậy, 3 dịch vụ tại HTX là tín dụng nội bộ, khai thác chợ, cung cấp vật tư nông nghiệp có vốn đầu tư hoạt động cho doanh thu gần 450 triệu đồng/năm.
Còn huyện Đông Hòa thì chọn HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành Tây làm điểm, vì từ khi thành lập năm 1978 đến nay, đơn vị này luôn là điển hình kinh tế tập thể của tỉnh. Theo ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện này, HTX thu hút 1.340 thành viên góp vốn. Doanh thu của HTX hơn 1 tỉ đồng/năm, cho lãi sau thuế gần 200 triệu đồng. HTX tổ chức sản xuất tốt với các dịch vụ vật tư nông nghiệp, máy cày và gặt đập liên hợp. Hàng năm, HTX cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho các hộ dân trong xã như trồng dưa hấu, khổ qua, lúa tím…
Trong 9 HTX được chọn, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An) đã hình thành được chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ cho thành viên. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: HTX có phương tiện là máy cày, máy tuốt, máy gặt… nên đã đưa cơ giới hóa vào tất cả các khâu trong sản xuất. Nhờ đó, bà con tin tưởng sử dụng dịch vụ của HTX và nhiệt tình góp vốn. HTX An Ninh Tây thực sự là chỗ dựa để phát triển kinh tế hộ.
Theo Liên minh HTX tỉnh, tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chọn được 9 HTX điển hình để xây dựng các HTX kiểu mới. Các HTX này đều hoạt động hiệu quả, có nền tảng về vốn, đa dạng dịch vụ, có đội ngũ cán bộ chuẩn về trình độ và số lượng thành viên góp vốn đông. Các HTX cũng đã đăng ký hoạt động lại theo Luật HTX 2012.
Tiếp tục được hỗ trợ
Cũng theo Liên minh HTX tỉnh, điểm mấu chốt ở mô hình HTX kiểu mới chính là hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện các HTX mới đủ sức tổ chức sản xuất, còn khâu chế biến, tiêu thụ rất hạn chế. Để giúp các HTX khắc phục hạn chế này, thời gian qua, đơn vị phối hợp với các hội đoàn thể để hỗ trợ cho HTX. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác.
Phối hợp liên ngành với các hội Nông dân, LHPN tỉnh và Sở NN-PTNT, Liên minh HTX tỉnh không chỉ củng cố lực lượng nền tảng là nông dân, khuyến khích thêm lực lượng phụ nữ tham gia mà còn khẳng định được vai trò của HTX trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Trong chương trình phối hợp, 2 đơn vị sẽ cùng giúp các HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ đây, HTX được đầu tư máy móc, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ cho chế biến nông sản. Các HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX được chọn làm điểm mô hình HTX kiểu mới sẽ là một phần quan trọng của tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh.
Hợp tác với Hội Những người trồng rừng Phần Lan, 2 HTX của tỉnh được tham gia dự án VE6566 (là dự án hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng tại Việt Nam của Cơ quan nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp). Từ đây, các HTX được hỗ trợ để củng cố chuỗi cung ứng dịch vụ trồng rừng, gồm ươm cây giống, khai thác rừng và thu mua gỗ. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), cho biết: Đơn vị có đất trồng rừng, có vườn ươm và đã làm dịch vụ khai thác rừng. Dịch vụ này thu hút được 531 thành viên ký hợp đồng bán và tiêu thụ sản phẩm từ rừng với HTX. Trong tiêu thụ sản phẩm gỗ, HTX mới chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ với các đầu mối tư nhân nên nhiều lúc bị thiệt thòi về giá. Tham gia dự án, có chứng chỉ rừng quốc tế, HTX có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và bán được giá tốt nhất.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Từ nền tảng hiện có cộng với sự hỗ trợ tích cực, các HTX đã được chọn sẽ trở thành các HTX kiểu mới. Đây sẽ là những mô hình điểm để các HTX khác ở địa phương học hỏi, cũng như để thay đổi cách nhìn của người dân về kinh tế tập thể hôm nay. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các HTX này sẽ hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Sang năm, toàn tỉnh sẽ nhân lên thành 30-35 HTX kiểu mới. |
MINH DUYÊN