Công trình hầm đường bộ qua đèo Cả đang bước vào giai đoạn nước rút để có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2017. Dù chưa hoàn thành nhưng dự án này đã phát huy hiệu quả đầu tư.
Trong đợt mưa lụt đầu tháng 12 vừa qua, đèo Cả bị tắc giao thông nhiều giờ liền do đất, đá từ taluy dương đổ xuống mặt đường tại 2 vị trí. Hàng ngàn phương tiện bị ùn ứ ở hai đầu đèo Cả khiến tình hình giao thông rất phức tạp; các lực lượng chức năng của 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phải hết sức vất vả dù đã cố gắng đến tột cùng. Trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” như vậy, Bộ GTVT đã quyết định cho mở hầm Cổ Mã để các loại xe có thể lưu thông qua đây, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc trên đoạn quốc lộ 1 qua đèo Cả. Và công trình này dù chưa hoàn thành nhưng đã phát huy hiệu quả đầu tư. Nhiều tài xế đã thở phào nhẹ nhõm khi thoát khỏi cảnh ùn tắc sau nhiều giờ liền. Ai cũng bảo rằng nếu hầm đèo Cả cũng có thể sử dụng thì rồi đây, cảnh tắc đường, kẹt xe ở đèo Cả mỗi khi mùa mưa bão đến sẽ được giải quyết triệt để. Anh Đỗ Thành Đạt, một tài xế của tỉnh Quảng Nam, phấn khởi bày tỏ: Bị kẹt xe ở đây suốt mấy giờ liền, tôi và nhiều tài xế khác rất căng thẳng, chỉ lo không thoát khỏi cảnh ùn tắc thì vừa mệt mỏi vừa bị thiệt hại kinh tế do không thể vận chuyển hàng hóa đến đúng thời gian quy định. Rất may, hầm Cổ Mã đã được mở, góp phần giải phóng lượng lớn xe bị ùn ứ. Nếu hầm đèo Cả cũng có thể sử dụng trong dịp này thì đèo Cả sẽ không bị tắc giao thông. Mong sao công trình sớm hoàn thành để cánh tài xế như chúng tôi được nhờ.
Hầm đường bộ qua đèo Cả là một dự án trọng điểm quốc gia được Bộ GTVT triển khai theo hình thức hợp tác công tư do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Bằng quyết tâm và nỗ lực cao, từ tháng 7/2016, hầm đèo Cả đã được thông và không lâu sau đó vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm. Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi vào làm việc với Phú Yên cũng đã đến thăm công trường. Sự có mặt của người đứng đầu Đảng và Chính phủ đã chứng tỏ niềm tin của những lãnh đạo cấp cao nước ta đối với tiến độ và hiệu quả đầu tư công trình. Theo kế hoạch, tháng 7/2017, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả sẽ hoàn thành. Hiện những hạng mục cuối cùng của dự án có tổng mức đầu tư gần 14.000 tỉ đồng đang được gấp rút thực hiện trong sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị tư vấn nước ngoài. Mặc dù khối lượng công việc không còn nhiều nhưng tết này là thêm một cái tết nữa, những người tham gia làm hầm đèo Cả vẫn không nghỉ tết. Tất cả đang nỗ lực hết mình vì sự thành công của một dự án trọng điểm quốc gia.
Hãy hình dung khi hầm đèo Cả được đưa vào sử dụng, hàng ngàn lượt phương tiện qua lại trên đoạn quốc lộ 1 qua Phú Yên không còn phải ì ạch “bò” trên cung đường ngoằn ngoèo dài hơn 10km nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Các tài xế sẽ bớt đi nỗi ám ảnh tắc đường, kẹt xe, tai nạn giao thông mỗi khi có mưa bão. Hiệu quả kinh tế mà dự án này mang lại cho Phú Yên và Khánh Hòa rất lớn. Điểm nghẽn trên cung đường thiên lý bắc nam tại đèo Cả đã được giải quyết. Cơ hội phát triển kinh tế cho khu vực nam Phú Yên, bắc Khánh Hòa dựa trên sự liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng được mở rộng hơn. Rồi đây, vùng kinh tế nam Phú Yên với cảng Vũng Rô, Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô cùng một số dự án khác đã và đang triển khai sẽ được kết nối thuận lợi với Khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa.
Cùng với việc giải quyết nút thắt ở phía nam Phú Yên thì điểm nghẽn ở phía bắc tỉnh ta cũng sẽ được thông trong vài năm tới khi hầm đường bộ Cù Mông đang được triển khai. Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cho biết: Tập đoàn Hải Thạch đã khoan được 800m trong tổng số 2,6km của 2 ống hầm phía bắc. Hầm Cù Mông góp phần giải quyết lưu thông an toàn cho các loại xe mỗi khi qua đây. Việc có thêm hầm Cù Mông sẽ giúp cho Phú Yên phá thế cách trở bởi 2 đèo, hạ tầng kỹ thuật giao thông của tỉnh cũng trở nên hoàn chỉnh hơn, tạo đòn bẩy cho kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới
HOÀI TRUNG