Ngày 30/11, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT) tổng kết công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật nội địa năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Quảng Ngãi tham dự hội nghị.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, trong năm 2016, khu vực miền Trung và Tây Nguyên gieo sạ hơn 530.000ha lúa, tăng 11.600ha so với năm 2015. Các giống lúa được sử dụng gồm DV108, TBR45, OM9676, Th85… Các loại cây công nghiệp được trồng tập trung là cà phê 445.000ha, cao su 246.000ha, tiêu 59.000ha, mía 102.000ha, sắn 188.000ha… Trong năm qua, thời tiết diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều loại bệnh hại. Cây lúa có 7 đối tượng dịch hại phổ biến như chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn, lem thối hạt… và 12 đối tượng phát sinh cục bộ gây hại trên diện tích gần 41.000ha. Cây cà phê thường xuyên xuất hiện các loại bệnh rệp vẩy, rệp sáp, nấm hồng, khô cành, rụng quả với diện tích bị nhiễm sâu bệnh khoảng 32.000ha. Cây tiêu bị nhiễm các loại sâu bệnh như tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư với diện tích 10.000ha…
Trong năm 2017, ngành Bảo vệ thực vật tiếp tục nắm chắc tình hình dịch hại trên các loại cây trồng, bảo vệ an toàn các vụ sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, ngành chú trọng đến việc hướng dẫn và xây dựng hệ thống biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ, lấy nguyên tắc IPM làm cơ sở, thông báo kịp thời biện pháp và hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả…
SƠN CA