Thứ Ba, 07/01/2025 17:07 CH
Xây dựng nông thôn mới vùng miền núi:
Nỗ lực nhưng khó về đích
Thứ Tư, 31/08/2016 06:39 SA

Chuẩn nghèo mới khiến nhiều hộ tái nghèo, tiêu chí giảm nghèo khó thực hiện, những thôn đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong các xã nông thôn mới (NTM) không được hỗ trợ, thu nhập của các hộ dân không cao nên khả năng đóng góp hạn chế… Đó là những khó khăn trong xây dựng NTM vùng miền núi trên địa bàn tỉnh.

 

Nhiều hộ tái nghèo

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, vùng miền núi Phú Yên có 45 xã. Trong năm 2015, toàn tỉnh có 17 xã NTM, trong đó vùng miền núi chỉ có 2 xã. Năm 2016, vùng miền núi có 4/13 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Trên thực tế, với chuẩn nghèo mới, các xã miền núi khó hoàn thành được tiêu chí 11 (hộ nghèo) và tiêu chí 9 (nhà ở dân cư) nên khó có thể về đích như dự kiến.

 

Điển hình như xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), một xã điểm của tỉnh trong xây dựng NTM. Cuối năm 2015, xã Sơn Hà gần cán đích nông thôn mới với 18/19 tiêu chí hoàn thành nhưng hiện nay, xã Sơn Hà chỉ đạt 17/19 tiêu chí. Nguyên nhân là do tiêu chí hộ nghèo, nhà ở dân cư thay đổi theo chuẩn mới khiến xã này không đạt 2 tiêu chí mà trước đây đã đạt. Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, cho biết: Xã có gần 2.300 hộ dân, trong đó có 3/6 thôn đặc biệt khó khăn là Dốc Cát, Suối Cau, Hòa Sơn. Theo chuẩn nghèo cũ, cuối năm 2015, xã Sơn Hà có 112 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 4,9% trong tổng số hộ toàn xã và đạt chuẩn NTM. Còn theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020 thì số hộ nghèo của xã lên tới 233 hộ, chiếm hơn 10%. Với tỉ lệ này, xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo. Tiêu chí về nhà ở dân cư theo chuẩn của Bộ Xây dựng cũng đang khiến xã Sơn Hà đã xóa được 126/126 nhà tạm, nay phát sinh thêm 15 nhà không đảm bảo “ba cứng”. Thống kê mới nhất, xã có 2.205 nhà đạt tiêu chuẩn mới về nhà ở dân cư, chiếm 96%. Do đó, xã chưa được xét đạt tiêu chí này.

 

Theo ông Võ Đồng Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), nguyên nhân khiến các xã miền núi có nhiều hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới là bởi xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, các xã này giảm nghèo từ các nguồn vốn hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ mua bò sinh sản, được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, được hỗ trợ cải tạo đất sản xuất và xây dựng hạ tầng cơ sở gồm nhà văn hóa, đường… Trong khi đó, thu nhập chính của các hộ dân vùng miền núi là từ sản xuất nông nghiệp nên mức sống theo nhiều năm ít thay đổi. Nhiều hộ mới chạm mức thoát nghèo chứ chưa thoát nghèo bền vững nên khi có chuẩn nghèo mới lại tái nghèo.

 

Các thôn đồng bào dân tộc thuộc các xã NTM không còn được hỗ trợ ưu đãi - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Khó với xã nông thôn mới

 

Ngoài khó khăn nêu trên, các xã đã về đích NTM còn gặp khó khi các thôn đặc biệt khó khăn bị mất đi sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi vùng dân tộc, miền núi. Tại 2 xã miền núi về đích NTM là Sơn Giang và Đức Bình Tây của huyện Sông Hinh, cùng với danh hiệu xã NTM, 6 thôn, buôn đặc biệt khó khăn của 2 xã này đã được Chính phủ công nhận thoát khỏi khó khăn vào cuối năm 2015. Mới đây, tại cuộc giám sát thực hiện các chính sách vùng dân tộc miền núi của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sông Hinh, cho biết: Các thôn, buôn đặc biệt khó khăn này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Người dân có thu nhập thấp và còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng do nằm trong xã NTM nên họ được cho là đã giảm nghèo, thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng/người/năm và cơ sở hạ tầng cơ bản ổn định… nên không được nhận kinh phí hỗ trợ từ Chương trình 135, giảm nghèo bền vững...

 

Theo ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, xã này có 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số là Quang Dù và Mả Vôi. Trước đây, đây là 2 buôn đặc biệt khó khăn, đồng bào được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi… Từng hộ được học cách canh tác cây lúa nước, được hỗ trợ phân bón, công cụ sản xuất. Nhờ đó, từ chỗ đói giáp hạt thường xuyên, người dân ở 2 buôn này có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/vụ lúa; mỗi nhân khẩu đến tuổi lao động có mức thu nhập từ 500.000-700.000 đồng/người/tháng. Từ ngày xã Đức Bình Tây được công nhận xã NTM, 2 buôn này không được nhận hỗ trợ từ các chương trình, chính sách… Trong khi đó, mức sống của đồng bào trong buôn thấp hơn mức bình quân toàn xã từ 10-15 triệu đồng/người/năm, đời sống còn nhiều khó khăn. Giờ UBND xã không biết lấy nguồn từ đâu để tiếp tục hỗ trợ, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc ở đây.

 

Chuẩn nghèo mới đang khiến các xã vùng miền núi khó về đích và giữ vững thành tích NTM. Các thôn, buôn đặc biệt khó khăn nằm trong xã NTM không còn được hỗ trợ cũng là một khó khăn khi phải nâng cao mức sống người dân. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh cần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc miền núi; triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc; lồng ghép các nguồn vốn để địa phương chủ động trong việc phân bổ sao cho phù hợp với thực tế…

 

Ông La Văn Tỷ, Phó Ban Dân tộc tỉnh

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek