Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt hạng mục hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và Bình Định (thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, hiện nay, trên tuyến Quốc lộ 1 tử Hà Nội đến Cần Thơ hầu hết các đèo có địa hình khó khăn, nguy hiểm đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng hầm đường bộ (hầm Hải Vân, Đèo Ngang, Đèo Cả, Cổ Mã, Phước Tượng - Phú Gia) qua đó rút ngắn hành trình, tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, hiện còn duy nhất đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Cù Mông là chưa chính thức được xem xét đầu tư xây dựng hầm đường bộ. Với chiều dài đường đèo 8,5km, địa hình núi cao, vực sâu, dốc lớn, nhiều đường cong bán kính nhỏ và đổi hướng liên tục, chỉ có 1 làn xe mỗi chiều là nguyên nhân khiến cho đoạn tuyến này là điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông.
"Việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông trên Quốc lộ 1 là rất cần thiết, loại bỏ điểm đen về giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua đèo này và kết nối thông suốt với các tỉnh ở khu vực Nam Trung Bộ", ông Hoàng cho hay.
Dự án có điểm đầu km1239+119 Quốc lộ 1 ở phía bắc đèo Cù Mông (TP Quy Nhơn, Bình Định). Điểm cuối km1247+739 Quốc lộ 1 ở phía nam đèo Cù Mông (TX Sông Cầu, Phú Yên). Công trình có tổng chiều dài tuyến xây dựng mới khoảng 6,6km trong đó hầm Cù Mông dài khoảng 2,6km. Đường dẫn hai đầu cửa hầm và cầu trên tuyến dài khoảng hơn 4km.
Hầm được thiết kế 2 làn xe chạy cơ giới, bề rộng lòng đường trong hầm là 9,75m. Phần đường dẫn và nút giao có vận tốc thiết kế 60km/giờ, bề rộng mặt đường 7m. Bên cạnh đó, dự án này cũng được đầu tư xây dựng các công trình phòng hộ, an toàn giao thông, hệ thống điện cung cấp, trung tâm điều hành giao thông, hệ thống cảnh quan chiếu sáng...
Đề cập đến phương án xây dựng, dự án được đầu tư phân kỳ trong đó giai đoạn 1 xây dựng 2 ống hầm nhưng hoàn thiện 1 ống (phía Tây) để khai thác 2 chiều, đường dẫn làm nền đường rộng 20,5m, mặt đường 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp rộng 11,5m, công trình thoát nước hoàn thiện theo quy mô nền đường 20,5m. Riêng công trình cầu hoàn thiện 1 đơn nguyên (phía Tây) cho 2 làn xe.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian đầu xây dựng) theo hình thức BOT trong đó nhà đầu tư huy động vốn để thực hiện xây dựng dự án, hoàn vốn thông qua các trạm thu phí. Vốn ngân sách Nhà nước dùng cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, dự án được khởi công vào tháng 9/2015 hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 3/2019 (thời gian thi công 42 tháng).
Liên quan đến phương án tài chính dự án, tổng vốn đầu tư BOT của hầm đèo Đèo Cả và Cù Mông (chưa tính lãi vay) là 11.427 tỉ đồng (trong đó phần vốn BOT của Đèo Cả là 7.455 tỉ đồng và đèo Cù Mông là hơn 4.000 tỉ đồng), lãi vay trong thời gian thi công 1.907 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn toàn dự án là 29 năm (tính từ ngày 1/1/2018 đến ngày 1/1/2047) trong đó trả nợ vay 24 năm và bù đắp vốn chủ sở hữu 5 năm.
Trên dự án này sẽ có các trạm thu phí Bàn Thạch (trạm Tuy An) thời gian thu 32 năm từ ngày 1/1/2015, trạm thu phí Đèo Cả thu 29 năm kể từ ngày 1/1/2018, trạm thu phí Cù Mông 28 năm kể từ ngày 1/1/2019, trạm thu phí Ninh An có thời gian thu 9 năm, thu nối của dự án Quốc lộ 1 kể từ ngày 1/1/2038.
Theo Vietnam+