Chuẩn bị đất
- Cây gấc không kén đất nhưng khuyến cáo bà con chọn đất tốt để trồng. Đất trồng gấc không bị úng và có khả năng thoát nước tốt khi mưa lớn. Khi trồng nên đào hố có chiều dài 1-1,2m, rộng 1-1,2m và độ sâu từ 40-60cm. Khoảng cách giữa các hố từ 3-4m, hàng cách hàng từ 4-5m.
- Xử lý hố trồng và tiến hành bón lót: Trộn phần lớp đất vừa đào từ hố lên với các loại phân bón sau: Gavi -Bio: 0,5 kg/hố, GV- hữu cơ vi sinh: 2 kg/hố, phân chuồng hoai: 10-15 kg/hố, Super lân 0,5-0,6 kg/hố. Chế phẩm sinh học có chứa Trichoderma 0,5-1 kg/hố. (Các bước trên thực hiện trước khi trồng 5-7 ngày).
- Thiết kế giàn: Giàn có thể dựng bằng các cây tạp, tre nứa hoặc cột bêtông. Bên trên gác các cành tre hoặc đan bằng dây thép hoặc dùng dây cước một sợi (đường kính dây khoảng 2mm) đan thành lưới (kích thước mắt lưới: 40cm x 40cm), sau đó căng lên giàn. Giàn bằng lưới cước chi phí thấp và có thể giữ được từ 3-5 năm. Chiều cao của mặt giàn so với mặt đất bình quân là 2m, phải đảm bảo giàn không bị chùng khi cây bò lên hoặc khi gấc ra trái.
Trồng cây
- Sau khi đã xử lý hố trồng được 5-7 ngày, bà con nên tiến hành trồng cây.
- Dọn vệ sinh xung quanh hố.
- Xới nhẹ lại đất trong hố trồng
- Cuốc 2 lỗ nhỏ ngay giữa hố để đặt cây gấc giống, khoảng cách giữa 2 lỗ trong cùng 1 hố tối thiểu là 35cm.
- Nếu trồng cây giống thực sinh thì khuyến cáo trồng 2 cây gấc trong 1 hố. Vì sau năm đầu tiên thu trái, chúng ta theo dõi, cây nào trái ít, hoặc không ra trái, trái nhỏ hoặc bị sâu bệnh nặng thì ta tiến hành cắt bỏ cây đó đi để cây gấc còn lại phát triển tốt hơn và đảm bảo nguồn thu hoạch gấc, đối với cây ghép hoặc cây hom thì trồng 1 hố từ 1 đến 2 cây. Thông thường, năm đầu tỉ lệ đậu trái thấp, lượng trái chưa nhiều. Cho nên, để tăng sản lượng và khả năng thụ phấn tự nhiên chúng ta nên trồng 2 cây.
Chăm sóc
- Tưới nước: Cây gấc cần đất đủ ẩm nhưng rất sợ úng do đó phải tưới đủ nước và thoát nước ở gốc cây cho tốt. Ở giai đoạn này, cây cần độ ẩm của đất khoảng 80-85%. Khi thời tiết nắng nóng phải tiến hành tưới nước, phủ rơm rạ để giữ ẩm cho cây.
- Đào kênh tiêu nước: Cây gấc bị ngập nước sẽ làm cho cây úng và tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh tấn công, dẫn tới năng suất giảm nếu bị úng nhẹ hoặc nếu ngập úng kéo dài có thể làm chết cây. Chính vì vậy, ở những vườn gấc trũng, ngập nước vào trời mưa thì phải tiến hành đào kênh tiêu nước.
- Sau 7 ngày tiến hành phun men sinh học Gavi - TriBio 5% dưới gốc và trên lá, với liều lượng pha loãng 300 lần.
- Sau trồng từ 15-30 ngày nên bắt ngọn leo lên giàn và thường xuyên bắt các ngọn phân tán đều trên giàn. Kiểm tra sâu, bệnh hại trên cây, nếu thấy có xuất hiện thì phải thực hiện phòng trừ.
- Khi cây con bắt đầu leo lên giàn, tiến hành bón lót phân NPK (16-16-8) 0,3-0,5 kg/hố. Trong giai đoạn này cần tiến hành phun thêm Gavi - TriBio 5% pha loãng 300 lần để tăng cường sức đề kháng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại.
- Sau 2 tháng kể từ ngày trồng cần bón thêm chế phẩm Gavi - Bio 0,5 kg/hố để phòng trừ bệnh hại, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cho cây.
Bón thúc
- Khi gấc đã phủ lên giàn, bà con nên tiến hành bón thúc. Cách bón: đào rãnh rộng 10cm và sâu 10cm hoặc cào nhẹ lớp đất mặt trên hố gấc sâu 5-10cm, rồi tiến hành rải phân GV hữu cơ vi sinh: 3kg trộn đều với đất dưới rãnh. Sau đó cuốc xới nhẹ lấp phân vào hố và tiến hành tưới nước.
- Khi gấc bắt đầu ra hoa, kết trái (sau trồng khoảng tháng thứ 3, thứ 4) nên bón thúc cho cây bằng phân trung vi lượng có gốc Canxi-Bo nhằm kích thích sự phát triển trái, tăng khả năng ra hoa, đậu trái. Cách phun: Pha 10ml/16 lít nước phun đều dưới tán lá, nách lá, trái, quanh gốc. Phun làm 2 lần mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày, phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều.
Thu hoạch gấc
- Khi trái gấc đã chín (1/2 quả chuyển sang đỏ) thì nên thu hoạch vì lúc này màng bọc ngoài hạt dày và có nhiều chất béo. Quả không giập nát, thối hỏng, không chín ép. Trọng lượng quả từ 0,8kg trở lên mới đạt yêu cầu.
THỦY TIÊN (tổng hợp)