Phú Yên có 70.000ha rừng của các lưu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Hiện nhận thức về chi trả DVMTR của các tổ chức, cá nhân chưa được thông suốt; việc triển khai kế hoạch thu, chi trả tiền DVMTR hàng năm còn chậm theo quy định.
Theo ông Mai Tấn Lên, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV-PTR) tỉnh, hiện kinh phí hoạt động của Quỹ BV-PTR tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu sử dụng 10% trên tổng nguồn thu ủy thác tiền DVMTR được điều phối từ Quỹ BV-PTR Việt Nam (VNFF) và thu nội tỉnh. Trong khi đó, Quỹ BV-PTR tỉnh thực hiện chính sách chi trả tiền thu ủy thác DVMTR cho các đối tượng chủ rừng chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, bao gồm: 6 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và doanh nghiệp; 16 UBND các xã, thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và hơn 1.000 chủ rừng là các hộ gia đình cá nhân. Việc chi trả tiền DVMTR từ Quỹ BV-PTR tỉnh đến các đối tượng chủ rừng hết sức khó khăn. Để trả đúng, trả đủ, bảo đảm 100% số tiền DVMTR phải đến tay người dân và các chủ rừng, hàng năm, Quỹ BV-PTR tỉnh phải rà soát, cập nhật biến động (tăng/giảm) hiện trạng rừng hơn 120.000ha, trong đó 70.000ha là diện tích có rừng của các lưu vực có cung ứng DVMTR.
Ông Mai Tấn Lên cho biết việc chậm trễ ủy thác tiền DVMTR hàng năm do nhiều nguyên nhân, làm ảnh hưởng lớn đến công tác chủ động tổ chức triển khai kế hoạch thu, chi trả tiền DVMTR hàng năm. Công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách chưa có sức lan tỏa trong cộng đồng, do kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền lệ thuộc vào quỹ trích lập từ nguồn thu ủy thác quá thấp. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ của Quỹ BV-PTR tỉnh chưa nhiều kinh nghiệm, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện phương tiện đi lại, trang thiết bị... chưa có điều kiện mua sắm.
Cũng theo ông Mai Tấn Lên, công tác giải ngân tiền DVMTR năm 2011, 2012 đến nay chưa được thực hiện, do đang lấy ý kiến thống nhất của các sở, ban ngành về Phương án sử dụng nguồn thu tiền ủy thác DVMTR năm 2011, 2012 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chi trả DVMTR của các chủ rừng còn quá thấp, chưa khuyến khích các chủ rừng quản lý, bảo vệ rừng an tâm gắn bó với sự nghiệp bảo vệ rừng. Chi trả DVMTR còn bất cập, đơn giá chi trả bình quân trên 1ha rừng có sự chênh lệch quá lớn giữa các lưu vực trên địa bàn, khiến người dân so bì quyền lợi. Cụ thể như tiền chi trả cho các chủ rừng của lưu vực Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ khoảng 28.000 đồng/ha/năm; lưu vực Nhà máy thủy điện Sông Hinh 126.000 đồng/ha/năm, quá thấp so với mặt bằng chung cả nước. Đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ của Quỹ BV-PTR tỉnh. Trong khi đó, việc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư 24 của Bộ NN-PTNT và đề án Trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo Quyết định 829 của Bộ NN-PTNT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm quản lý của quỹ, tiến trình phân bổ kế hoạch, kinh phí quản lý, điều hành...
UBND tỉnh vừa phê duyệt kinh phí chi trả DVMTR năm 2014 với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. Đối tượng được chi trả là chủ rừng có diện tích rừng được bảo vệ, cung ứng dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích 38.871ha trên địa bàn các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. UBND tỉnh cũng quyết định chủ rừng thuộc lưu vực Nhà máy thủy điện Sông Hinh được chi trả 111.420 đồng/ha/năm; chủ rừng thuộc lưu vực Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Krông H’Năng được chi trả 47.450 đồng/ha/năm. |
PHƯƠNG NAM