Nhằm giúp bà con có những thông tin cần thiết để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên xin giới thiệu một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả trên đất lúa đã được thực hiện thành công tại một số địa phương…
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trong khu vực tỉnh Phú Yên chỉ đạt khoảng 20-80mm, thấp hơn từ 20-50% so với trung bình nhiều năm. Hiện mực nước tại các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh ở mức rất thấp, việc đảm bảo nước tưới trong vụ hè thu 2015 sẽ gặp nhiều khó khăn. Một số vùng trồng lúa sẽ bị thiếu nước tưới và bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, thu nhập của bà con nông dân. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác phù hợp là một hướng đi cấp thiết. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên xin giới thiệu một số mô hình:
Mô hình luân canh lúa - bắp: Việc trồng lúa liên tục qua nhiều năm sẽ ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm, trong khi giá lúa hiện nay trên thị trường cũng không cao (chỉ từ 5.200 đến 5.400 đồng/kg). Trong thực tế bà con nông dân có thể trồng cây bắp thay thế cho một vụ lúa trong năm để hiệu quả kinh tế cao hơn. Mô hình luân canh lúa - bắp khi triển khai tại một số địa phương trong tỉnh đã mang lại hiệu quả rất cao. Theo mô hình này, trong vụ đông xuân sẽ trồng lúa. Khi trồng lúa nên lựa chọn những giống lúa có năng suất, chất lượng và đảm bảo giống cấp xác nhận trở lên. Mặt khác, cần áp dụng các quy trình như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” để đạt hiệu quả cao. Trong vụ hè thu sẽ trồng bắp lai với các giống bắp khuyến cáo như NK66, NK67 hay CP333… Với giá bán bắp hạt hiện nay khoảng 5.600 đến 5.700 đồng/kg (tăng hơn so với lúa từ 300 đến 500 đồng/kg) thì bà con nông dân trồng luân canh theo mô hình này sau khi trừ chi phí sản xuất có thể lãi hơn so với mô hình sản xuất lúa truyền thống từ 6 đến 8 triệu đồng/ha. Cùng với đó, việc canh tác theo mô hình luân canh lúa - bắp đã cắt đứt cầu nối của một số đối tượng sâu có tính đơn thực như sâu đục thân lúa, muỗi năn, rầy nâu và bệnh đạo ôn, đốm nâu trên lúa…
Mô hình luân canh lúa - đậu xanh: Mô hình trồng luân canh lúa - đậu xanh là một mô hình được rất nhiều bà con áp dụng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đậu xanh là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 60 đến 70 ngày. Trồng đậu xanh có thuận lợi là tiết kiệm được nguồn nước tưới nên phù hợp với những vùng có nguy cơ bị hạn. Ngoài ra trồng đậu xanh luân canh còn giúp cải tạo tăng độ phì cho đất. Bà con nên lựa chọn các giống đậu xanh có nguồn gốc rõ ràng cũng như có tiềm năng và năng suất cao. Với giá bán của đậu xanh hiện nay là 24.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí sản xuất có thể lãi hơn so với mô hình sản xuất lúa truyền thống từ 18 đến 20 triệu đồng/ha.
Mô hình luân canh lúa - rau màu: Ở một số diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả, bà con nông dân có thể chuyển đổi sang mô hình luân canh lúa - rau màu. Tại một tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên đã thực hiện chuyển đổi luân canh theo mô hình này và đạt hiệu quả rất cao. Sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân sẽ tiến hành trồng các loại cây như dưa hấu, bầu bí… hoặc các loại rau ăn lá. Theo đánh giá của một số hộ đã thực hiện thì việc trồng các loại rau màu mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa truyền thống từ 2,5 đến 3 lần.
Trên đây là một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả trên đất lúa. Tuy nhiên khi lựa chọn mô hình chuyển đổi bà con cũng cần lưu ý một số điểm sau: Khi chuyển đổi cây trồng khác thì phải xem xét điều kiện như nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác phải tốt hơn, cơ sở hạ tầng phải hoàn thiện hơn. Vì vậy nên có chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện việc chuyển đổi. Nên lựa chọn cây trồng, mô hình chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên ở tại địa phương. Không nên theo xu thế đại trà để tránh tình trạng “được mùa lại mất giá”. Cần có sự phối hợp giữa các nông dân với chính quyền địa phương và các công ty để xây dựng nên những vùng sản xuất có thương hiệu để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của mình.
TRUNG TÂM KN-KN PHÚ YÊN