Giá lúa tăng trên 5.000 đồng/kg nhưng nhiều nông dân ở Phú Yên không còn lúa để bán, khiến họ tiếc rẻ. Trong khi đó, vụ sản xuất hè thu đang bắt đầu, nông dân cần nhiều khoản chi phí cho đồng ruộng.
Tại huyện Đông Hòa, những ngày qua giá lúa liên tục nhích lên. Hiện giá lúa dao động ở mức từ 5.300 đồng đến 5.600 đồng/kg, tùy loại. Ông Nguyễn Văn Dương ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, cho biết: Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều gia đình ở khu phố này chỉ còn lại lúa giống để gieo trồng cho vụ sau và ít lúa thịt để ăn giáp hạt. “Vụ đông xuân vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch gần 4 tấn lúa. Sau khi thu hoạch, tôi bán 3 tấn lúa với giá chỉ 4.200 đồng/kg để thanh toán nợ nần với chủ đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và gửi cho con ăn học ở TP Hồ Chí Minh. Bây giờ giá lúa tăng cao thì không còn để bán. Tính ra, mỗi tấn lúa mất hơn 1 triệu đồng. Tiếc quá!”, ông Dương nói.
Không chỉ gia đình ông Dương, nhiều nông dân ở Phú Yên đã bán hết lúa thịt sau khi thu hoạch vụ đông xuân 2014-3015, với giá chỉ từ 4.200 đồng đến 4.500 đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí, nông dân hầu như không có lãi sau 3 tháng canh tác. Bà Trương Thị Sáu ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), bùi ngùi: Nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên sau khi thu hoạch vụ đông xuân 2014-2015, tôi đã bán hết cho thương lái với giá khá thấp so với hiện nay. “Thời điểm bán lúa, tôi có nghe thương lái bảo họ mua với giá thấp là vì Phú Yên không phải là địa phương áp dụng chính sách thu mua lúa gạo để tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ. Lúa gạo của Phú Yên chỉ tiêu thụ thị trường trong nước, chứ không xuất khẩu. Họ nói vậy để ép giá nông dân chúng tôi. Nhưng không bán cho thương lái thì bán cho ai?”, bà Sáu bức xúc.
Theo ông Hoàng Quốc Trí, chủ cơ sở xay xát gạo ở huyện Đông Hòa, hiện giá lúa mua tại nhà máy tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với thời điểm thu hoạch lúa đông xuân 2014-2015. Lý giải về việc giá lúa tăng, ông Trí nói: Thời điểm này, lúa gạo có nhiều đầu ra, nhất là thị trường phía bắc và khu vực Tây nguyên, nên các đầu mối thu mua lúa gạo tăng cường “gom hàng” để đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy giá lên cao.
Trong khi đó, theo những người am hiểu về thị trường lúa gạo, nguyên nhân giá lúa gạo tăng trong thời gian gần đây, ngoài yếu tố thị trường tiêu thụ trong nước khả quan, còn có sự tác động từ việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa điều chỉnh giá sàn gạo xuất khẩu đối với loại gạo trắng 25% tấm với giá bán tối thiểu 350 USD/tấn.
Được biết, Phú Yên có khoảng 26.000ha lúa, sản lượng đạt trên 170.000 tấn/vụ. Cũng như nhiều loại nông sản khác, lâu nay việc tiêu thụ lúa của nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Vào thời điểm thu hoạch rộ thì giá lúa giảm, đến khi nông dân bán hết lúa để trang trải các khoản chi phí trong quá trình sản xuất vụ trước và bắt đầu bước vào sản xuất vụ tiếp theo thì giá lúa lại tăng, khiến nhiều người không còn mặn mà với đồng ruộng. Ước tính, với mức chênh lệch 1 triệu đồng/tấn lúa so với thời điểm thu hoach vụ đông xuân 2014-2015 và hiện nay thì số tiền mà nông dân Phú Yên thất thu không phải là nhỏ.
Theo Sở NN-PTNT, việc chúng ta chỉ trông chờ vào thị trường mà không dự báo được tình hình sẽ đẩy nông dân vào cảnh chịu thiệt. “Đáng lẽ doanh nghiệp phải có thị trường trước, từ đó lên kế hoạch mỗi năm tiêu thụ bao nhiêu tấn gạo, rồi đặt hàng cho nông dân sản xuất. Nhưng hiện nay, việc tiêu thụ lúa gạo ở Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung đang đi ngược lại. Nông dân sản xuất cái mình có, còn doanh nghiệp lúa gạo chỉ mua khi thị trường có nhu cầu. Một khi thị trường bị “nhũng” thì chỉ nông dân là người chịu thiệt”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Phú Yên nói.
MINH ĐĂNG