Những ngày đầu tháng 6, người dân Sơn Hòa tấp nập thu hoạch những rẫy mía cuối cùng để kịp giao cho nhà máy đường. Gần 15 năm nay, nhờ được định hướng phát triển đúng đắn, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân ở huyện miền núi này thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
CÂY MÍA, CÂY THOÁT NGHÈO
Sơn Hòa là vùng đất đỏ bazan, rất phù hợp để cây mía phát triển. Tuy nhiên, theo những người sinh sống nhiều năm trên vùng đất này, hơn 15 năm trước, dù cố gắng đến đâu thì thu nhập từ trồng mía vẫn rất bấp bênh. Ngoài trồng mía, người dân còn phải đi rừng, trồng rẫy, tìm cách mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau nhưng cuộc sống vẫn khốn khó. Thời điểm này, hơn 50% dân số của huyện Sơn Hòa là hộ nghèo, khó khăn.
Nhớ lại những năm tháng lập nghiệp, ông Đoàn Đắc Miên, một lão nông gắn bó với cây mía hơn 30 năm ở huyện Sơn Hòa, tâm sự: Rời quê hương Bắc Ninh vào lập nghiệp ở Sơn Hòa từ khi còn trai trẻ, tôi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của cây mía trên vùng đất này. Khi xưa, người dân Sơn Hòa cũng trồng rất nhiều mía nhưng vì chưa có nhà máy đường nên hầu hết các hộ dân đều tự trồng, tự thu hoạch rồi ép đường bằng thủ công. Đường làm thủ công đã ít, lại bán không “trôi” nên cuộc sống nghèo đói quanh năm. Nhiều diện tích mía chín nhưng không thu hoạch kịp, người dân đành ngậm ngùi chặt bỏ. Năm 2000, Nhà máy đường KCP Sơn Hòa “mọc lên”, chính quyền huyện Sơn Hòa định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện ưu tiên phát triển cây mía. Từ đây, mía trở thành cây thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân trên vùng đất này. Nhờ mía, nhiều gia đình có thể xây nhà, sắm xe và trở thành triệu phú.
Vừa thu hoạch xong hơn 60ha mía, ông Hà Châu Ánh, một hộ trồng mía ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, đã tất bật trồng lại hơn 80ha mía cho vụ sau. Vụ mía trước, ông Ánh được địa phương chọn thử nghiệm mô hình cánh đồng mía mẫu lớn khá hiệu quả. Năm nay, ông Ánh mạnh dạn đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng mua 3 máy cày đa năng, vừa xới đất, vừa trồng mía, làm cỏ, bón phân, phun thuốc… để tự động hóa các khâu làm mía. Ông Hà Châu Ánh chia sẻ: Vụ mía 2014-2015, tôi trồng 61ha mía nhưng do thời tiết khô hạn, ruộng mía của gia đình tôi bị cháy mất gần 1.000 tấn. Tuy vậy, nhờ được đầu tư, chăm sóc kỹ nên năng suất vẫn đạt trên 70 tấn/ha; một số diện tích thuận lợi đạt năng suất gần 100 tấn/ha, thu hoạch gần 5.000 tấn mía bán cho nhà máy, thu về hơn 4,5 tỉ đồng. Vụ này tôi sẽ cơ giới hóa 100% diện tích mía, vừa giảm chi phí nhân công, lại vừa nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.
ĐỂ NÔNG DÂN LÀM GIÀU TỪ CÂY MÍA
Ông Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Từ khi địa phương định hướng phát triển cây mía là cây trồng chủ lực, kinh tế huyện Sơn Hòa đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn. Do vậy, thời gian tới, địa phương tiếp tục định hướng người dân phát triển cây mía theo hướng ổn định diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Hòa đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, huyện Sơn Hòa sẽ ổn định vùng nguyên liệu mía khoảng 13.000ha, phấn đấu đạt sản lượng mía lên 1 triệu tấn mía nguyên liệu. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Sơn Hòa sẽ tập trung một số giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu mía như đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và giống mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển nhiều diện tích canh tác lớn để thuận tiện ứng dụng cơ giới hóa vào khâu trồng và thu hoạch… Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh tiến độ thi công một số công trình thủy lợi để tăng diện tích tưới của cây mía như công trình hồ chứa nước Suối Vực, trạm bơm Buôn Lé, cống nước Suối Trai tự chảy. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, các công trình này sẽ phục vụ nước tưới cho khoảng 800ha mía, góp phần nâng cao năng suất cây mía trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, có sự vươn lên mạnh mẽ của cây mía trên vùng đất Sơn Hòa, phải kể đến sự đóng góp của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP). Từ khi đi vào hoạt động, KCP luôn đảm bảo các chính sách đầu tư, thu mua mía nông dân trong vùng mía nguyên liệu với giá cả hợp lý, tạo nguồn thu ổn định cho hàng chục nghìn hộ dân địa phương. “Với những định hướng đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền huyện Sơn Hòa, cùng chính sách đầu tư hợp lý của KCP, chúng tôi tin rằng cây mía sẽ tiếp tục phát huy vai trò giúp đời sống của người dân Sơn Hòa ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn”, ông Cư nói.
Theo UBND huyện Sơn Hòa, hiện diện tích cây công nghiệp trên địa bàn huyện là 16.217ha; trong đó, diện tích mía là 13.011ha, chiếm 80,23%. Toàn huyện có 5.896 hộ trồng mía, năng suất bình quân từ 70 đến 80 tấn/ha; một số diện tích có đầu tư đạt trên 100 tấn/ha, cho thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/hộ/năm. Riêng niên vụ 2014-2015, huyện Sơn Hòa cung cấp cho nhà máy đường trên 730.000 tấn mía cây. |
NGÔ XUÂN