Chủ Nhật, 19/01/2025 02:44 SA
Đổ xô đi mót rơm khô
Thứ Năm, 14/05/2015 10:25 SA

Gom rơm khô ở phường 8, TP Tuy Hòa - Ảnh: L.TRÂM

Trời đang nắng gắt, nông dân lo ngại thời gian đến nắng hạn tiếp tục kéo dài, cỏ trồng ngoài đồng bị khô cháy, nguồn thức ăn cho bò sẽ khan hiếm. Vì thế những ngày qua, nhiều người chăn nuôi bỏ công ra những đám ruộng đang thu hoạch, mót rơm khô về trữ làm thức ăn cho bò.

 

TRANH NHAU MÓT RƠM KHÔ

 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Tình hình nắng hạn đang diễn ra rất gay gắt, nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt, sở khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với an toàn dịch bệnh. Các địa phương cần vận động nông dân tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc.

Những ngày qua, tại cánh đồng phường 8 (TP Tuy Hòa), nhiều người dân đổ xô đến mót rơm khô về trữ làm thức ăn cho bò. Trưa, nắng gay gắt, ông Trần Văn Mai, vác bao tải rơm từ ruộng chất lên lề đường, cho hay: “Tôi ở dưới chân đèo Quán Cau thuộc xã An Hiệp (huyện Tuy An). Mới 6 giờ, tôi thức dậy buộc 2 bao tải sau yên xe rồi đi xe máy gần 20km đến đây. Đi sớm vậy mà đến nơi, tôi đã thấy hàng chục người dàn hàng ngang mót rơm. Tôi cũng vội xuống ruộng quơ rơm. Do rơm khan hiếm nên đến trưa, tôi mới nhận đầy 2 bao tải chở về”.

 

Gần trưa, trời nắng gắt, vợ chồng ông Trần Văn Sơn, cũng ở xã An Hiệp, vẫn miệt mài vác bao tải mót rơm rơi vãi trên các thửa ruộng. “Nhà tôi có 3 con bò. Sáng tranh thủ tưới rau nên đến đây muộn, hai vợ chồng mót được 2 bao, tôi chở về một chuyến, vợ tôi ở lại mót thêm, tôi vô chở về chuyến thứ hai. Chúng tôi ráng mót rơm về trữ để qua tháng 7, bò có ăn. Kinh nghiệm năm ngoái nắng gắt đến giữa mùa hè đồng khô cỏ cháy, không có rơm khô trữ, bò nhốt đói trong chuồng”, ông Sơn nói.

 

Không chỉ người ở huyện lân cận mà người dân ở các xã của TP Tuy Hòa cũng đi mót rơm khô về trữ. Ông Bùi Văn Minh ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) đang chất lên xe hai bao tải rơm, cho biết: Đi mót rơm phải lựa mua loại bao tải thụng (đường kính 1m, cao 1,5m), nhận đầy mới được nhiều rơm. Nhà tôi cũng làm ruộng nhưng chỉ có một sào, sợ sắp đến không đủ cho bò ăn nên tôi tranh thủ đi mót về trữ.

 

RƠM KHÔ KHAN HIẾM

 

Cánh đồng xã An Ninh Tây, An Thạch (huyện Tuy An) gieo sạ sớm. Lúa chín, nông dân tranh thủ thu hoạch, có nhiều người đến hỏi mua rơm khô. Bà Bùi Thị Dung ở xã An Ninh Tây cho hay: Nhà tôi có hai sào ruộng. Vừa rồi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, tôi phơi khô rơm rồi gom lại gánh về, vun thành đống. Trong chuồng nhà tôi có 3 con bò, sợ sắp đến không đủ rơm cho ăn, vậy mà có người đến tận nhà hỏi mua lại nọc rơm.

 

Còn trên cánh đồng xã An Thạch, ông Phan Long ở xã An Dân (huyện Tuy An) đang hì hục chất rơm lên xe tải chở về nhà. “Tôi ở xã An Dân nhưng xâm canh ruộng ở xã An Thạch. Gặt lúa nhà được một sào rơm, tôi hỏi mua thêm từ người em kết nghĩa ở xã An Thạch được một sào rơm nữa. Chỗ “ơn nghĩa” lắm, người em kết nghĩa mới để lại chứ quanh vùng này không có ai bán rơm cả, họ đều gánh về trữ cho bò”, ông Long nói. Ông Long cũng cho hay, hiện nay là thời điểm nắng gắt, cỏ voi trồng ngoài đồng khô héo nên người dân phải chịu khó đi xa, mua rơm về cho bò ăn. Tình trạng khan hiếm rơm khô không chỉ xảy ra trong vụ lúa đông xuân này mà thời điểm này năm ngoái, khi lúa đông xuân đang được thu hoạch, rơm khô đắt giá, có người bỏ ra tiền triệu để mua rơm.

 

Đối với người dân miền núi, nuôi bò là nguồn thu nhập chính, giúp không ít gia đình thoát nghèo. Để “thúc” cho bò mập bán kiếm tiền trang trải cuộc sống, người nuôi nấu cháo cho bò ăn, nhưng rơm khô thì không thể thiếu. Bà Trần Thị Hương ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: “Cánh đồng lúa trước nhà của tôi mới thu hoạch xong. Vụ hè thu đến, sợ nắng hạn không có nước gieo sạ nên người trong xóm ai cũng gánh rơm khô về trữ. Riêng đàn bò của tôi có năm con, ngoài ba sào lúa thu hoạch lấy rơm, tôi tính vừa cho bò ăn rơm vừa nấu cháo (bằng gạo, rau) cho ăn thêm nhưng không đủ. Đàn bò là nguồn thu nhập chính trong gia đình nên chúng tôi làm gì làm cũng lo đầu cơ nghiệp”.

 

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 178.900 con bò, 3.855 trâu. Hiện tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài kết hợp với gió tây nam thổi mạnh, lượng nước bốc hơi lớn, hạn hán xảy ra trên diện rộng, nên sở khuyến khích nông dân chuyển đổi các vùng đất lúa không chủ động được nước tưới sang trồng rau màu, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, mang lại thu nhập.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek