Thứ Hai, 20/01/2025 14:47 CH
Cho vay mua thiết bị cơ giới hóa sản xuất mía theo Quyết định 68:
Ba “nhà” đều kêu khó
Thứ Sáu, 24/04/2015 08:30 SA

Hiện nông dân Phú Yên chủ yếu đầu tư thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất lúa - Ảnh: L.HẢO

Các sở, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa ký quy chế phối hợp cho vay vốn mua sắm trang thiết bị cơ giới hóa sản xuất mía đường theo Quyết định 68/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất ngành Mía đường. Tuy nhiên, việc triển khai quy chế này gặp khó khăn vì cả ba “nhà” liên quan gồm “nhà nông - nhà máy - nhà băng” đều nêu lên nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

VƯỚNG TÀI SẢN ĐẢM BẢO

 

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, nông dân phải mua máy, thiết bị mới có trong danh mục mà Bộ NN-PTNT đã phê duyệt thì mới được vay vốn ngân hàng theo Quyết định 68. Theo đó, nông dân được hỗ trợ lãi suất trong 2 năm đầu sau khi ký hợp đồng vay. Đến năm thứ ba, nông dân chịu 50% lãi suất. Để nông dân có thể tiếp cận vốn dễ dàng, phát huy hiệu quả sản xuất thì ba “nhà”: nhà nông - nhà máy - nhà băng cần phối hợp chặt chẽ từ khâu lựa chọn đối tượng vay, thẩm định kế hoạch vay vốn đến kiểm tra, đôn đốc quá trình sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ…

Ông Nguyễn Hữu Thoại ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cho biết, gia đình đã có 2 máy cày nhưng ông vẫn muốn vay thêm tiền đầu tư mua máy công suất lớn hơn để phục vụ làm đất và làm dịch vụ nông nghiệp. Vì thế, khi biết Nhà nước triển khai cho nông dân vay vốn mua máy móc hiện đại để phục vụ cơ giới hóa sản xuất mía, ông Thoại rất phấn khởi. Ông muốn biết cách vay như thế nào, thủ tục ra sao... “Gia đình tôi đang canh tác 59ha mía ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội. Tổng diện tích đất này thuộc sở hữu của gia đình, do chúng tôi làm lụng, gom góp tiền mua từ mấy năm nay nhưng giấy tờ vẫn đứng tên người khác. Với trường hợp này, tôi phải làm thế nào để thế chấp đất vay vốn? Nếu nông dân không có đủ tài sản đảm bảo nhưng vẫn muốn vay để mua máy lớn làm ăn thì các nhà máy đường có tạo điều kiện đứng ra thế chấp cho chúng tôi vay hay không?”, ông Thoại thắc mắc.

 

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết: Doanh nghiệp không thể lấy tài sản của mình để thế chấp ngân hàng bảo lãnh cho nông dân vay vốn. Doanh nghiệp chỉ có thể bảo lãnh bằng hình thức ký thỏa thuận chung giữa 3 bên. Khi nông dân chặt mía bán cho KCP thì KCP dùng tiền mía trả cho ngân hàng trước, còn lại sẽ trả cho nông dân.

 

Tuy nhiên, hình thức bảo lãnh của KCP không được ngân hàng chấp nhận. Ông Trần Văn Tập, Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên, giải thích: Theo quy định, các doanh nghiệp muốn đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn thì phải dùng chính tài sản của mình để thế chấp ngân hàng chứ không thể tín chấp. Nếu các doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh không bảo lãnh thì người dân phải có tài sản hoặc nhờ người có tài sản đứng ra bảo lãnh. Ngoài ra, nông dân còn có thể lấy tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn nhưng ngân hàng phải tính toán giá trị và khả năng thu hồi vốn mới chấp nhận tỉ lệ vay được bao nhiêu. “Đến nay, toàn hệ thống Agribank Phú Yên đã cho 15 khách hàng vay vốn theo Quyết định 68 với dư nợ hơn 6,5 tỉ đồng. Các khách hàng này đều có đầy đủ tài sản đảm bảo mới được vay vốn”, ông Tập cho biết thêm.

 

MUA MÁY MỚI MỚI ĐƯỢC VAY VỐN

 

Không chỉ gặp vướng về điều kiện đảm bảo, nhiều nông dân còn băn khoăn về khả năng trả nợ khi phải vay một số tiền lớn để mua máy phục vụ cơ giới hóa sản xuất mía. Ông Đinh Như Sang ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: “Qua nhiều năm canh tác, tôi nhận thấy nhiều máy móc hiện đại có thể phù hợp với địa hình đồng bằng nhưng đến đoạn đồi dốc thì không làm được như mong muốn. Do đó, nông dân phải đặt làm máy theo yêu cầu thực tế, vừa phù hợp với túi tiền, vừa phát huy hiệu quả sản xuất. Như vậy, dù không mua máy chính hãng nhưng chúng tôi có lấy hóa đơn đỏ và được địa phương, nhà máy xác nhận thì có được vay vốn không?”.

 

Nhiều nông dân khác cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước cho nông dân vay vốn mua máy với giá trị vừa tầm để nông dân còn tính toán hiệu quả làm ăn, đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng. “Nếu phải vay hơn 1 tỉ đồng trong 10 năm, để mua máy thì mỗi năm chúng tôi phải trả hơn 100 triệu đồng cả gốc và lãi. Đây là một số tiền quá lớn. Khi đó, nếu kế hoạch xoay vòng vốn không hiệu quả, chúng tôi biết lấy tiền đâu ra để trả nợ?”, một nông dân ở huyện Sông Hinh phân tích.

 

Còn theo ông Phạm Ngọc Anh ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, việc cơ giới hóa đồng ruộng chỉ có thể thực hiện hiệu quả trên một diện tích sản xuất lớn. Chứ nếu làm manh mún như hiện nay thì nông dân không dám bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để mua máy công suất lớn về làm. Ông Anh đề xuất: Nhà nước cần có mô hình điểm, thực hiện dồn điền đổi thửa để có diện tích lớn rồi áp dụng máy móc cơ giới hóa vào sản xuất. Thấy được hiệu quả thì nông dân mới làm theo. Đồng tình với đề xuất này, ông Lê Hoàng Anh, Phó giám đốc Agribank Sông Hinh cũng cho hay: Hiện các hộ nông dân trên địa bàn sản xuất trên diện tích đất manh mún, không tập trung. Chính quyền địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, quy diện tích đất canh tác về một mối thì việc đầu tư máy móc hiện đại, công suất lớn mới phát huy được hiệu quả sản xuất, nguồn vốn mới nhanh chóng được thu hồi.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek