Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nền công nghiệp khai thác đánh bắt thủy hải sản hiện đại, cực kỳ phát triển và là một trong những mũi nhọn kinh tế rất hấp dẫn đầu tư. Vậy thì Việt Nam không có lý gì không làm được như vậy, nhất là khi Nghị định 67 của Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25/8/2014.
Và để đột phá kinh tế biển, UBND tỉnh đã thành lập Tổ tư vấn, thẩm định giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh quyết liệt thực hiện nghị định này ở Phú Yên. Tuy nhiên, dù công việc được triển khai rất sớm, nhưng đến nay chỉ mới có 19 chủ tàu được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 67 (gọi tắt là “vốn 67”)… với tổng nhu cầu vốn hơn 126 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 94,8 tỉ đồng và vốn đối ứng của ngư dân hơn 31,3 tỉ đồng. Hiện chỉ có 2 chủ tàu được ký hợp đồng vay đóng tàu mới. Điều này cho thấy sẽ khó có thể đạt được kế hoạch giai đoạn 1 của UBND tỉnh là đến tháng 6/2015 tổ chức thí điểm thực hiện chính sách tín dụng “vốn 67” đóng mới 30 tàu cá.
Thực tế, ngay từ ban đầu, UBND tỉnh đã đưa các ngân hàng thương mại vào tổ tư vấn, thẩm định nhằm nâng cao trách nhiệm của ngân hàng, giúp rút ngắn thời gian từ khâu xét duyệt đến giải ngân vốn. Tuy nhiên, khi UBND tỉnh đã công bố công khai 19 chủ tàu đủ điều kiện vay “vốn 67” thì các ngân hàng lại tiếp tục loay hoay xem xét lại từng hồ sơ để ký hợp đồng tín dụng, dẫn đến kéo dài thời gian trong việc giải ngân đóng tàu. Và đến thời điểm này, giữa ngân hàng và ngư dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, đồng thuận trong vốn vay.
Vướng mắc “khó gỡ” là các ngân hàng thương mại và các chủ tàu chưa thống nhất phương án vay, vì đa số các chủ tàu có nhu cầu vay vốn đều có dư nợ ngân hàng, thiếu vốn đối ứng. Ngư dân thì không có “tiền tươi thóc thật” nên muốn lấy tài sản của mình như con tàu đang khai thác, sổ đỏ đất đai, nhà cửa… để thế chấp vay vốn đối ứng. Còn một số ngân hàng ở Phú Yên thì yêu cầu chủ tàu phải có vốn đối ứng 30% đối với tàu vỏ gỗ và phải gửi tiền vào ngân hàng tối thiểu 20% vốn tự có tham gia vào tổng chi phí đóng mới tàu. Trong khi đó, Nghị định 67 cũng như Thông tư 22 hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định ngư dân phải chuyển trước vốn đối ứng cho ngân hàng.
Tại một cuộc họp mới đây, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ ở Phú Yên đã thẳng thắn đánh giá về quy trình xác nhận, thẩm định hồ sơ của các cấp và tổ tư vấn, thẩm định chưa phù hợp; việc phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển thủy sản còn hạn chế nên các chủ tàu chưa hiểu đúng chính sách tín dụng “vốn 67”; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan, địa phương, ngân hàng chưa tốt…
Rõ ràng để tránh “vết xe đổ” của Chương trình đánh bắt xa bờ năm 1997 (theo Quyết định 393 của Chính phủ), các tổ chức tín dụng chủ động lựa chọn người vay (chủ tàu) có kinh nghiệm, có năng lực tài chính, có khả năng quản lý tốt nhất để đảm bảo việc sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả, tăng khả năng thu hồi vốn chứ không để “ném tiền qua cửa sổ”. Tuy nhiên, Nghị định 67 là một quyết sách lớn, một tầm nhìn chiến lược của Chính phủ về phát triển công nghiệp khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Và Chính phủ đưa ra gói chính sách tín dụng đặc biệt này với kỳ vọng sẽ là cơ sở để hiện thực hóa giấc mơ tàu vỏ thép, tàu cá hiện đại của ngư dân.
Với chính sách như nói trên của Chính phủ, chắc chắn là nghề cá của Việt Nam sẽ đột phá và đạt hiệu quả cao. Do vậy, dù thận trọng nhưng các ngân hàng cùng ngư dân cần "gỡ khó” vốn đối ứng để sớm giải ngân "vốn 67"!
NGUYÊN LƯU