Trong báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương công bố sáng 13/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6% trong năm 2015.
Ảnh minh họa |
Trước đó, hồi cuối năm 2014, WB chỉ dự báo GDP của Việt Nam tăng 5,6% trong năm 2015. Trong số 9 quốc gia Đông Á được xem xét trong báo cáo, Việt Nam là nước duy nhất có dự báo GDP được điều chỉnh theo xu hướng tăng.
Lý giải về việc nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam, các chuyên gia của WB cho biết, giá dầu giảm đã có những tác động tích cực. Dù là một nước xuất khẩu dầu, Việt Nam cũng là nước có lượng tiêu thụ lớn, đặc biệt cho những ngành cần nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, đại diện WB cũng đánh giá cao nỗ lực ổn định kinh tế và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm qua. Theo báo cáo của WB, kinh tế Việt Nam đang khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm 2014 vượt mức kỳ vọng. Đặc biệt, yếu tố thuận lợi được WB chỉ ra là các hiệp định thương mại đang đàm phán có thể đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra những thị trường bên ngoài rộng lớn và giàu có hơn. Những cải cách trong nước bao gồm việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước với quyết tâm cao hơn, rõ ràng hơn sẽ phát những tín hiệu quan trọng đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai. Lạm phát của Việt Nam được WB dự báo sẽ ở mức vừa phải trong năm 2015 do giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu ở mức thấp và cầu tư nhân trong nước phục hồi.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của WB, Việt Nam vẫn phát triển dưới mức tiềm năng. Nguyên nhân là sự ì ạch trong cải cách cơ cấu, đặc biệt trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. WB cho rằng cổ phần hóa về mặt số lượng là chưa đủ, mà cần phải tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nợ công gia tăng là một vấn đề quan ngại. Tổng dư nợ công và nợ được bảo lãnh công là 61% GDP tính đến cuối năm 2014, trong đó nợ trong nước tăng từ 23% năm 2010 lên 32% lên 2014.
Theo SGGPO