Những năm qua, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là một vấn đề luôn được nhiều ngành, cấp cũng như các doanh nghiệp quan tâm. Tại các khu công nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng đã chú trọng hơn về vấn đề này. Môi trường làm việc của người lao động đang dần được cải thiện.
THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG
Theo Ban quản lý khu kinh tế, hiện 3 khu công nghiệp có hơn 5.600 công nhân đang làm việc; trong đó tập trung ở một số ngành nghề cần được đặc biệt quan tâm về ATVSLĐ-PCCN như chế biến thủy sản, chế biến gỗ, phân bón, vật liệu xây dựng… Trong năm qua không có đơn vị, doanh nghiệp nào trong KCN bị cháy nổ hoặc vi phạm về phòng cháy chữa cháy; không có trường hợp công nhân bị tai nạn lao động dẫn đến thương tích nặng. Trong khi đó, năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ tai nạn lao động khiến 7 người chết, 5 người bị thương nặng. Đây là một nỗ lực lớn của Ban quản lý khu kinh tế cũng như doanh nghiệp trong việc tăng cường quản lý và tuyên truyền về ATVSLĐ-PCCN.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Trưởng phòng Doanh nghiệp và lao động, Ban quản lý Khu kinh tế, cho biết: Các khu công nghiệp là nơi tập trung số lượng lao động rất lớn với nhiều ngành nghề khác nhau. Do vậy, vấn đề ATVSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp luôn được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Ban quản lý đều xếp lịch định kỳ và đột xuất, phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, theo dõi, nhắc nhở các doanh nghiệp chấp hành các quy định về ATVSLĐ-PCCN. Những doanh nghiệp nào chưa chấp hành tốt thì liên tục được tái kiểm tra, xử lý. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc trang bị các thiết bị bảo hộ lao động và cải thiện môi trường làm việc cho công nhân. Bên cạnh đó, việc kiểm định và đăng ký, quản lý các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cũng được doanh nghiệp chủ động thực hiện, góp phần giảm nguy cơ mất an toàn lao động. Đối với các doanh nghiệp, việc tạo môi trường làm việc vệ sinh, an toàn cũng là một mục tiêu doanh nghiệp hướng tới. Vì theo chủ các doanh nghiệp thì “công nhân có sức khỏe thì hiệu quả công việc mới cao”.
TẠO MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG AN TOÀN CHO CÔNG NHÂN
Ông Phan Văn Nhơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên, chia sẻ: Trong môi trường làm việc của ngành chế biến đá granit, công nhân phải tiếp xúc với các thiết bị máy cưa, cắt, máy mài lớn. Nếu người lao động không thận trọng thì rất dễ xảy ra tai nạn lao động. Năm 2014, công ty đầu tư một xưởng cắt mới với nhiều thiết bị hiện đại, công suất cao. Để giảm nguy cơ tai nạn lao động, các thiết bị mới đều được tự động hóa hoàn toàn, nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân làm việc. Mặc dù vậy, vấn đề an toàn lao động vẫn luôn được ban lãnh đạo công ty thường xuyên nhắc nhở, thậm chí đưa vào nội quy làm việc để tạo môi trường lao động an toàn, ổn định cho công nhân làm việc hiệu quả hơn.
Theo ông Đinh Công Chiến, Trưởng phòng tổ chức, Công ty TNHH Nhà máy phân bón NPK Phú Yên (KCN Đông Bắc Sông Cầu), hàng năm, ban lãnh đạo công ty luôn dành một khoản chi phí hơn 60 triệu đồng để trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cho công nhân. Việc mang thiết bị bảo hộ cũng thường xuyên được nhắc nhở, đưa vào nội quy để người lao động phải nghiêm túc chấp hành. Bên cạnh đó, công tác PCCN cũng được ban lãnh đạo công ty đặc biệt chú ý vì đây là môi trường có nhiều yếu tố dễ gây cháy nổ như bình nén khí, các chất dung môi… Nhờ vậy từ khi hoạt động đến nay, công ty chưa để xảy ra trường hợp tại nạn lao động, cháy nổ nào.
Tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, việc mang các thiết bị bảo hộ lao động lại càng được các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hơn. Chủ một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở KCN Hòa Hiệp chia sẻ: Hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, các đối tác rất khắt khe về việc đảm bảo các quy định về vệ sinh lao động, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm đầu ra. Do vậy, người lao động tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng như chế biến thực phẩm xuất khẩu luôn có ý thức chấp hành tốt các quy định về vệ sinh lao động.
Một số doanh nghiệp trang bị thiết bị bảo hộ theo kiểu “đối phó”
Theo Sở LĐ-TB-XH, mặc dù đã được doanh nghiệp và người lao động quan tâm nhưng vấn đề ATVSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập như một số doanh nghiệp trang bị thiết bị bảo hộ theo kiểu “đối phó”, chất lượng các thiết bị bảo hộ chưa đảm bảo an toàn cho người lao động.
Một số trường hợp người lao động bị tai nạn, thương tích nhẹ, doanh nghiệp không báo cáo nên người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định, gây thiệt thòi cho người lao động. Bên cạnh đó, nhiều nơi môi trường làm việc chưa thực sự đảm bảo như thiếu ánh sáng, tiếng ồn, bụi bẩn, thiếu ô xy… về lâu dài sẽ gây tổn hại đến sức khỏe người lao động. Bản thân người lao động cũng còn tâm lý ngại mang thiết bị bảo hộ do khó làm việc, vướng víu… nên hiệu quả chưa cao. |
NGÔ XUÂN