Theo ông Trần Tiến Bình, Phòng nghiên cứu Lịch thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vào tối 26/6 này, sẽ có nguyệt thực một phần đến 53%.
Nguyệt thực một phần. Nguồn: Internet
Người dân ở một số nước Đông Nam Á, châu Úc, châu Mỹ sẽ quan sát được một mặt trăng khác thường khi có tới hơn 50% diện tích của mặt trăng đi vào vùng tối của bóng trái đất trở nên tối và đỏ sẫm.
Song ở Việt Nam, người dân khó quan sát được nguyệt thực trọn vẹn bằng mắt thường, vì hiện tượng này xảy ra vào lúc 18 giờ 15, đạt cực đại vào lúc 18 giờ 39 là lúc trăng mới mọc và có thể trời nhiều mây ảnh hưởng đến tầm nhìn.
Hiện tượng nguyệt thực này là do trái đất được mặt trời chiếu sáng, đồng thời cũng cản các tia sáng từ mặt trời tạo ra một vùng bóng tối trải dài trong không gian. Mặt trăng chuyển động tròn quanh trái đất nên có thể sẽ “đi” vào vùng tối này.
Lúc này mặt trăng không còn được mặt trời chiếu sáng trực tiếp và sẽ không còn sáng như bình thường. Mặt trăng không sáng như bình thường gọi là nguyệt thực bán dạ, khi mặt trăng trở nên đỏ tối thì gọi là nguyệt thực một phần hoặc toàn phần.
Theo dự báo, từ 19 giờ 45 đến 21 giờ 31 ngày 10/12/2011, người dân Việt Nam sẽ lại được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần.
Theo TTXVN