Sử dụng, bảo quản phương tiện đo dùng trong phân phối và bán lẻ xăng dầu cần thực hiện như thế nào? Vấn đề này đã được Báo Phú Yên phóng vấn với ông Dương Bình Phú, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên).
Lực lượng chức năng kiểm tra cột đo xăng dầu tại một cửa hàng bán lẻ xăng dầu - Ảnh: M.NGUYỆT |
* Ông có thể cho biết yêu cầu đối với phương tiện đo?
- Pháp lệnh Đo lường quy định, phương tiện đo được sử dụng hợp pháp phải đảm bảo các yêu cầu: Được phê duyệt mẫu đối với phương tiện đo mới sản xuất hoặc nhập khẩu, được kiểm định và đang còn trong thời hạn hiệu lực của việc kiểm định. Đối với các phương tiện đo không thuộc danh mục phải kiểm định, để xác định, đánh giá các đặc trưng đo lường phục vụ cho mục đích sử dụng thì có thể thực hiện chế độ hiệu chuẩn. Ngoài ra, các phương tiện đo phải chịu chế độ kiểm tra, thanh tra trong trường hợp có yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đo lường hoặc yêu cầu của người tiêu dùng.
* Vậy những hành vi nghiêm cấm đối với cán bộ sử dụng thiết bị đo lường trong phân phối và bán lẻ xăng dầu là gì, thưa ông?
- Đó là các hành vi sử dụng phương tiện đo sản xuất, nhập khẩu chưa qua phê duyệt mẫu, sử dụng phương tiện đo chưa được kiểm định hoặc quá thời hạn kiểm định, sử dụng phương tiện đo sai hỏng hoặc có sai số vượt quá sai số cho phép; vi phạm quy định về đo lường đối với các phép đo trong thương mại bán lẻ. Cụ thể, cố tình gian lận trong bán hàng, thực hiện không đúng trình tự phép đo, cản trở người có trách nhiệm, khách hàng hoặc đại diện của khách hàng giám sát, kiểm tra việc thực hiện các phép đo, phương pháp đo theo quy định của pháp luật. Sử dụng phương tiện đo không có dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định theo quy định; sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực; gian lận trong việc sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định. Giả mạo dấu, tem kiểm định, thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo. Điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt các chi tiết, thiết bị của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo cũng là những hành vi nghiêm cấm đối với cán bộ sử dụng thiết bị đo lường trong phân phối và bán lẻ xăng dầu.
* Còn hành vi nghiêm cấm trong sử dụng và bảo quản các phương tiện đo đúng để giao nhận, bán lẻ xăng dầu?
- Trong số các phương tiện đo sử dụng tại các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, bể đong cố định và xi-téc đường sắt là các loại phương tiện đo khó và ít khi xảy ra tác động có thể làm thay đổi cấu tạo ảnh hưởng tới độ chính xác của phép đo nhằm mục đích gian lận. Đối với những phương tiện đo này, hành vi gian lận chủ yếu xảy ra khi những người tham gia quá trình giao nhận thông đồng, móc ngoặc với nhau để cố tình thực hiện sai quy trình và trình tự phép đo hoặc ghi sai kết quả đo. Để ngăn ngừa và hạn chế những hành vi này, biện pháp chủ yếu là phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoặc đầu tư trang bị các thiết bị đo tự động và tự động hóa quá trình đo. Xi-téc ô tô, đồng hồ và cột đo xăng dầu là những phương tiện đo thường xảy ra các hiện tượng gian lận bằng cách làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo; điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt các chi tiết, thiết bị của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo.
* Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)