Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 3 (2008-2009) do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (gọi tắt là Liên hiệp Hội) phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Liên đoàn Lao động và Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức.
Giải pháp “Máy bốc mía lên xe SCT-901” của Sở Công thương Phú Yên đạt giải nhì trong hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 3 - Ảnh: MINH NGUYỆT
Sau hơn 10 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 25 giải pháp đăng ký tham gia. Phần sơ khảo chọn 11 giải pháp đủ điều kiện ở các lĩnh vực gồm: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (5 giải pháp), cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải (1 giải pháp), vật liệu hóa chất, năng lượng (1 giải pháp), nông lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường (2 giải pháp); y dược, giáo dục - đào tạo (2 giải pháp). Kết quả, có 9 giải pháp đoạt giải. Trong đó, không có giải nhất, 3 giải nhì, 2 giải ba và 4 giải khuyến khích.
3 giải nhì thuộc về các giải pháp: “Cải cách hệ thống ba bộ chuyển đổi Pathpanel ănten 3 cổng dùng cho máy phát FM của Đài Phát thanh Phú Yên” của tác giả Nguyễn Thanh Hà (Đài Phát thanh Phú Yên), “Phần mềm quản lý đoàn viên thanh niên” của Tỉnh Đoàn và giải pháp “Máy bốc mía lên xe SCT- 901” của Trần Sum và Đào Tấn Cam (Sở Công thương Phú Yên). 2 giải ba gồm giải pháp “Tuyển chọn quy trình kỹ thuật thâm canh môn sáp” của tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (Bình Định), “Nuôi tôm nước lợ bền vững” của Huỳnh Văn Vũ (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên), 4 giải khuyến khích gồm giải pháp “Điều khiển tự động thiết bị trường học theo hướng an toàn và tiết kiệm điện” của Đặng Như Ý (phường 8,TP Tuy Hòa), “Nghiên cứu sử dụng năng lượng sạch” của Trần Văn Luật (giáo viên Trường THCS Trường Chinh, huyện Đông Hòa), “Phần mềm thiết kế đối lưu đồ khối và mô phỏng giải thuật” của Đào Lê Vĩnh (giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa ), “Chương trình quản lý phổ cập giáo dục trung học cơ sở” của Quách Đình Công (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP Tuy Hòa).
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 3 có sự chuyển biến rõ rệt so với các lần trước cả về số lượng và chất lượng, lĩnh vực dự thi và đối tượng tham gia. Hội thi đã khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, kỹ thuật. Các giải pháp kỹ thuật tham gia hội thi đều có tính mới, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế xã hội vì lợi ích cộng đồng. Công tác tuyên truyền về hội thi có tiến bộ, đổi mới. Ban tổ chức có kinh nghiệm hơn trong việc phân công các thành viên, đơn vị phối hợp tiếp cận các giải pháp dự định đăng ký dự thi để hướng dẫn tuyên truyền nhằm thu hút nhiều đối tượng; phối hợp chỉ đạo, đôn đốc và có kế hoạch hướng dẫn cụ thể các đơn vị tham gia...
Bên cạnh những ưu điểm, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần 3 còn bộc lộ một số hạn chế trong khâu tuyên truyền, phát động, tổ chức, chỉ đạo, sự phối hợp liên ngành. Một số ít thành viên ban tổ chức chưa xác định công việc hội thi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình nên chưa tích cực tham gia. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này. Số lượng các đề tài, giải pháp, sản phẩm mang ý tưởng sáng tạo chưa nhiều, tính hiệu quả và khả năng ứng dụng chưa tạo được bước đột phá. Chưa có giải pháp sáng tạo kỹ thuật được Trung ương trao giải. Các lĩnh vực tham gia dự thi không đều, không đồng bộ, thiên về các giải pháp ở lĩnh vực tin học và công nghệ thông tin. Còn các giải pháp ở lĩnh vực xây dựng, y tế, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh tương đối ít.
Để Hội thi Sáng tạo kỹ thuật những lần tiếp theo thu hút được nhiều đối tượng tham gia với chất lượng cao hơn, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp, sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự ủng hộ tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đồng chủ trì tổ chức là Liên hiệp Hội với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Tỉnh Đoàn… Đây là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của hội thi. Cần vận động các cơ quan, công ty, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và chuyên gia đầu ngành, các tầng lớp nhân dân lao động trong toàn tỉnh cùng tham gia hội thi nhằm từng bước hướng đến xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học…
Th.s NGUYỄN HOÀI SƠN
Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH – KT Phú Yên