Các nguồn thông tin sở hữu trí tuệ ngày càng phát triển, đòi hỏi cán bộ làm công tác thông tin –thư viện trong lĩnh vực này có kỹ năng tra cứu tốt. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền kết nối internet... Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên.
Tập huấn khai thác thông tin sở hữu trí tuệ tại Phú Yên. - Ảnh: MINH NGUYỆT
* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động thông tin sở hữu trí tuệ hiện nay?
- Các nguồn thông tin sẵn có trên mạng internet đang được mở rộng cả về số lượng và khả năng tra cứu với nhiều tính năng mới hỗ trợ người sử dụng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt là thông tin sáng chế, nhãn hiệu. Thư viện điện tử Ip Lib của Cục Sở hữu trí tuệ đã được nhiều địa phương sử dụng phục vụ cho công tác quản lý và tra cứu thông tin. Tuy nhiên, nhu cầu thông tin cũng chỉ giới hạn trong phạm vi phục vụ đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Việc khai thác tối đa lợi ích từ các nguồn thông tin này nhằm tìm kiếm các nguồn thông tin công nghệ mới, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu – phát triển công nghệ, nghiên cứu thị trường, thương mại hóa các kết quả sáng tạo công nghệ… vẫn còn rất hạn chế.
Mặc dù tại nhiều địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, sử dụng các nguồn thông tin sở hữu trí tuệ cho các đối tượng là nhà khoa học, sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp trên địa bàn nhưng chưa có nhiều đơn đặt hàng đến từ các đối tượng này. Bên cạnh đó, do các nguồn thông tin sở hữu trí tuệ ngày càng phát triển, đòi hỏi cán bộ làm công tác thông tin – thư viện trong lĩnh vực này cần có kỹ năng tra cứu tốt hơn và nắm được các kiến thức về công nghệ thuộc lĩnh vực đang cần tra cứu, do vậy, khi có các yêu cầu tra cứu thường phải mất nhiều thời gian để thực hiện tra cứu và chưa khai thác hết các nguồn thông tin hiện có nên các kết quả tra cứu chưa thể hiện được tính ưu việt của hệ thống sở hữu trí tuệ. Thực tế thời gian qua, cán bộ làm công tác này ở một số địa phương chưa được đào tạo nhằm tích lũy kinh nghiệm công tác và năng lực chuyên môn nên tra cứu thông tin công nghệ vẫn còn là một việc khó khăn, bỡ ngỡ.
* Để khai thác tốt các nguồn thông tin sở hữu trí tuệ, các địa phương cần phải làm gì, thưa ông?
- Các địa phương cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, năng lực thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền kết nối internet… phục vụ công việc tra cứu thông tin. Do các cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhất là cơ sở dữ liệu sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp chứa số lượng dữ liệu từ vài triệu đến hàng chục triệu đơn đăng ký, có kèm theo thông tin toàn văn nên cấu hình các máy tính phải luôn được nâng cấp, thay thế mới. Các cán bộ làm công tác thông tin sở hữu trí tuệ cần được thường xuyên đào tạo, cập nhật kỹ năng tra cứu thông tin. Thông qua các lớp đào tạo thực hành dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia các học viên sẽ được chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu các bí quyết trong quá trình tiến hành các tình huống tra cứu cụ thể. Cần áp dụng một số giải pháp “kích cầu” thông tin như một số địa phương đã làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nghiên cứu, sinh viên, doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm thông tin. Trước mắt, chưa thể đặt vấn đề “hạch toán chi phí”, các địa phương cần thiết lập các nhóm người sử dụng tin, đặc biệt trên địa bàn nhằm kết nối họ với các sở khoa học công nghệ. Thông qua đó, nắm bắt diễn biến của các đề tài, đề án đang triển khai và hỗ trợ thông tin kịp thời, chính xác. Khi cần thiết, có thể ký kết các thỏa thuận hợp tác nhằm cụ thể hóa các nội dung hoạt động này nhằm ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên. Cần tiến hành tra cứu thông tin phục vụ cho các đề tài công nghệ đang thực hiện trong phạm vi quản lý của sở khoa học công nghệ. Trong trường hợp chưa đủ nguồn lực cần thiết, có thể phối hợp với Trung tâm Thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ để cùng chia sẻ và đảm nhiệm những phần việc đang gặp khó khăn, vướng mắc. Các đối tượng là sinh viên, giảng viên các trường đại học trên địa bàn sẽ là những người sử dụng tin tiềm năng, có tác dụng thúc đẩy việc ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ vào thực tiễn của địa phương. Do vậy, hoạt động thông tin sở hữu trí tuệ cần đáp ứng thiết thực và phù hợp với môi trường học tập, đào tạo của nhà trường.
* Hoạt động thông tin sở hữu trí tuệ thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
- Trang tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là thư viện điện tử Ip Lib đảm bảo đủ nguồn thông tin cập nhật và khả năng phục vụ thông suốt. Trung tâm cũng sẽ phát triển các nguồn thông tin bằng tiếng Việt nhằm giúp cho đông đảo người sử dụng tin thuận lợi khi tiếp cận thông tin sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai việc số hóa toàn bộ kho mô tả sáng chế đã được công bố tại Việt
* Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)