Báo Phú Yên phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Pháp chế chính sách (Cục Sở hữu trí tuệ) xung quanh vấn đề xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ nhân Hội nghị toàn quốc về hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ được tổ chức tại Phú Yên mới đây.
Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) niêm phong xe gắn máy có chi tiết vi phạm kiểu dáng công nghiệp tại một cửa hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: M.NGUYỆT
* Những bất cập đang tồn tại trong hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp hiện nay là gì, thưa bà?
- Một số quy định của pháp luật còn trùng lặp, chồng chéo, chưa rõ ràng; chưa đảm bảo tính đồng bộ trong quy định giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến sở hữu công nghiệp. Cụ thể như pháp luật cạnh tranh chưa có quy định xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; pháp luật về tài chính chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cơ chế hoạch toán và định giá các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, việc quản lý, khai thác các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước; pháp luật về doanh nghiệp chưa hướng dẫn xử lý các tài sản trí tuệ, trong đó bao gồm cả đối tượng sở hữu công nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp, góp vốn liên doanh, liên kết; pháp luật thi hành án đối với tài sản là các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm chưa hướng dẫn về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Chất lượng các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp nhìn chung chưa cao, thể hiện ở chỗ một số quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng hoặc thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả việc thi hành pháp luật. Tính kịp thời và đồng bộ của các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa bảo đảm, một số quy định chậm được hướng dẫn.
* Theo bà, đâu là nguyên nhân của sự tồn tại trên?
- Sở hữu công nghiệp là lĩnh vực khó và phức tạp, kinh nghiệm cũng như nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực này chưa nhiều. Công tác soạn thảo văn bản, hoạch định chiến lược chính sách chủ yếu tiến hành dưới hình thức vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trong khi đó, thực tiễn lại luôn thay đổi, xuất hiện các yếu tố mới, dẫn đến khả năng sửa đổi pháp luật thường xuyên, làm cho hệ thống văn bản thiếu tính ổn định, gây khó khăn và lo ngại cho các chủ thể chịu sự tác động của văn bản, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp được ban hành rải rác. Các văn bản hướng dẫn thi hành luật thường được ban hành sau luật, điều này đã làm chậm hiệu lực thi hành của văn bản được hướng dẫn, đồng thời tạo ra các khoảng trống về hiệu lực áp dụng văn bản khiến cho không chỉ các chủ thể chịu sự tác động của văn bản, mà kể cả các cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp khó khăn khi vận dụng pháp luật. Việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn do nhiều cơ quan chủ trì nên chất lượng, tiến độ của văn bản phụ thuộc vào các cơ quan đó.
Ngoài ra, các nguyên nhân chủ quan cần phải kể đến là: Năng lực và kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp của cán bộ làm công tác soạn thảo văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong quá trình soạn thảo văn bản, một số khâu và công việc chưa được coi trọng đúng mức như việc tổng kết thực tiễn, tổ chức khảo sát thực tế, phát phiếu điều tra, nghiên cứu các vấn đề lý luận, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản… Những lý do trên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, tính khả thi của văn bản, khiến “tuổi thọ” của các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp hiện nay rất thấp. Việc sửa đổi quá nhanh và quá nhiều văn bản không chỉ gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng lớn đến tính ổn định của hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực này, gây khó khăn cho việc tận dụng, thi hành. Việc xây dựng các văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ thường xuyên tiến hành chậm, khiến cho văn bản được hướng dẫn chậm được triển khai thi hành trên thực tế.
* Để khắc phục những tồn tại trên, theo bà cần phải thực hiện những công tác gì?
- Theo tôi, cần xây dựng chiến lược và kế hoạch mang tính tổng thể về nghiên cứu các cơ sở lý luận, khoa học về sở hữu công nghiệp nhằm phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chú trọng thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và tính khả thi của văn bản, thực hiện tốt một số khâu cơ bản trong quá trình soạn thảo văn bản, đánh giá tác động và dự báo tính khả thi của các chính sách, văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp sau khi được ban hành. Hạn chế các quy định có tính nguyên tắc chung để tránh phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cần được tiến hành đồng bộ, kịp thời với việc xây dựng văn bản được hướng dẫn. Bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp với quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự, tài chính, doanh nghiệp… bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế về sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên. Nghiên cứu khả năng xây dựng các luật riêng để điều chỉnh đối với từng đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như Luật Sáng chế, Luật Nhãn hiệu, Luật Kiểu dáng công nghiệp… nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng và hoàn thiện quy định của pháp luật đối với từng đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn của cán bộ làm công tác xây dựng chiến lược, chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp.
* Xin cảm ơn bà!
MINH NGUYỆT (thực hiện)