Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại nhiều địa phương chưa tập trung vào hoạt động hỗ trợ xác lập, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật vẫn còn hạn chế. Để hoạt động này đáp ứng với nhu cầu phát triển, cần có những cơ chế chính sách thích hợp hơn.
Nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu) đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa - Ảnh: MINH NGUYỆT
CƠ QUAN QUẢN LÝ THIẾU NHÂN LỰC, DOANH NGHIỆP THỜ Ơ
Tại hội nghị toàn quốc về hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Phú Yên vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương hiện còn thiếu cán bộ chuyên môn giỏi về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục đội ngũ cán bộ quản lý sở hữu trí tuệ ở địa phương làm ảnh hưởng đến hoạt động này. Khả năng tiếp cận các mô hình tiến tiến về quản lý, phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ hợp tác còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng chiến lược bảo hộ, khuếch trương nhãn hiệu rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Phương - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh An Giang cho biết: “Công tác thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ ở đại phương chưa mạnh. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một số ít cơ sở, doanh nghiệp thực hiện tốt việc bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ thì chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ những cơ quan nhà nước”.
Ngoài ra, công tác quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ chủ yếu phổ biến văn bản pháp luật và hướng dẫn tư vấn thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chưa có hoạt động sâu rộng. Số lượng thông tin về sở hữu trí tuệ còn ít và mới mẻ, chưa đáp ứng kịp nhu cầu thông tin của doanh nghiệp nên tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn xảy ra. Ông Đào Tứ Xuyên - Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Phú Yên nói: “Việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ cũng như việc đưa đối tượng sở hữu trí tuệ tham gia vào sản xuất, lưu thông chủ yếu là nhãn hiệu. Các đối tượng khác như kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, sáng chế cũng còn hạn chế”.
Đối với mô hình nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý còn lúng túng trong việc xây dựng tổ chức quản lý, quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm, sử dụng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Ông Vũ Viết Nhất - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Yên Bái cho rằng: “Việc tư vấn hỗ trợ xác lập quyền bảo hộ, xúc tiến thương mại, hoạt động khai thác, phát triển thương hiệu còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ. Công tác thanh tra, thẩm định về sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập so với thực tiễn. Một số doanh nghiệp khi sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng không tra cứu, tìm hiểu kỹ dẫn đến xâm phạm quyền của người khác. Có trường hợp doanh nghiệp lấy việc sao chép các kiểu dáng, nhãn hiệu của doanh nghiệp khác phục vụ cho mục đích hoạt động kinh doanh của mình, hoặc văn bằng chứng chỉ bảo hộ đã hết thời hiệu nhưng vẫn sử dụng”.
CẦN CÓ CƠ CHẾ HỖ TRỢ
Để hoạt động sở hữu trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển, nhiều đại biểu cho rằng: Cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn về sở hữu trí tuệ cấp tỉnh để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nên thành lập các trung tâm hoặc chi nhánh trung tâm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ doanh nghiệp tại các tỉnh để thực hiện các dịch vụ sở hữu trí tuệ phục vụ doanh nghiệp. Theo Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ An Giang Nguyễn Văn Phương: “Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ các mô hình phát triển tài sản trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp – nông dân và nông thôn như sáng tạo trong sản xuất máy móc, thiết bị, dịch vụ phục vụ nông nghiệp; phương pháp nhân, tạo giống mới, phương pháp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn thủy sản…”
Cần tăng cường sự phối hợp giữa Cục Sở hữu trí tuệ và cơ quan quản lý ở địa phương trong việc kết nối thông tin hồ sơ đăng ký, quản lý các đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ. Thanh, kiểm tra sở hữu trí tuệ nhằm chống hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp và giải quyết tranh chấp trên địa bàn theo quy định – Đó là đề xuất của Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Yên Bái Vũ Viết Nhất. Ông Nhất đề nghị thêm: “Cần có hướng dẫn, quy định rõ tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu tập thể tại địa phương để sau khi được bảo hộ có điều kiện quản lý, tổ chức hoạt động phát triển nhãn hiệu tập thể, tránh tình trạng có nhãn hiệu nhưng không hoạt động”. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học – Công nghệ Phú Yên Đào Tứ Xuyên: “Chính phủ nên ban hành nghị định về sáng kiến phù hợp với tình hình thực tế để khuyến khích các doanh nghiệp triển khai phong trào lao động sáng tạo, hoạt động sáng kiến rộng rãi, đều khắp và hàng năm phải tổng kết phong trào, có chế độ khen thưởng những điển hình. Cục Sở hữu trí tuệ cần rút ngắn hơn thời gian xử lý đơn xin xác nhận quyền sở hữu trí tuệ”. Trong khi đó, bà Trần Thị Bích Hồng (Sở khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Dương) nói: “Cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xác lập quyền đối với đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích. Để kích thích sáng tạo trong tầng lớp nhân dân cần tăng cường phổ biến rộng rãi hơn nữa cho cộng đồng về đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, quyền và lợi ích khi tham gia đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ”.
Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuẩn hóa quy trình xử lý đơn xác nhận quyền sở hữu công nghiệp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian cấp phép, tiến tới giảm và xóa bỏ tình trạng tồn đọng đơn; quản lý tốt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm hạn chế tình trạng hàng giả, hàng chép lậu và giả về nhãn hiệu.
MINH CHÂU