Hiện năng lực của các phòng đo lường, thử nghiệm ở Phú Yên còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cho xã hội và công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám định hàng hóa. Để nâng cao năng lực hoạt động trong lĩnh vực này, tỉnh cần có quy hoạch và đầu tư trang thiết bị, nhân lực.
Phòng thử nghiệm của Chi cục tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng Phú Yên còn thiếu nhiều trang thiết bị để hoạt động - Ảnh: M.NGUYỆT
THIẾU VÀ KHÔNG ĐỒNG BỘ
Gần đây, nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh nghi ngờ phân bón NPK họ đang dùng là phân giả vì cây trồng không tươi tốt, phân không tan hết trong nước qua ngâm thử mấy ngày… Mới đây, chúng tôi đã mang mẫu phân NPK đến Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Phú Yên đề nghị thử nghiệm để có kết quả tham khảo. Tuy nhiên, đơn vị này cho biết chỉ có thể phân tích được các hàm lượng ni tơ và phốt pho, còn ka li thì không vì thiết bị đã hư! Ngoài phòng thử nghiệm của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Phú Yên, ở Phú Yên không còn phòng thử nghiệm nào có loại thiết bị thử nghiệm này. Kết cục, chúng tôi chỉ nhận được kết quả thử nghiệm với 2 hàm lượng nên vẫn không có một kết luận chuẩn xác. Tại hội thảo về đo lường, thử nghiệm do Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên tổ chức mới đây, ông Huỳnh Thái Long, Trưởng phòng Thử nghiệm (Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Phú Yên) nói: “Trang thiết bị ở phòng thử nghiệm của chi cục thiếu và không đồng bộ. Chúng tôi không thể thử nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu cần thiết theo yêu cầu, việc đánh giá sự phù hợp nhiều khi chỉ dựa trên những chỉ tiêu được thử nghiệm. Bên cạnh đó, nguồn lực còn thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và nhu cầu xã hội”.
Ngoài Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản có phòng thử nghiệm với trang thiết bị đạt tiêu chuẩn để kiểm tra các mẫu bệnh trên các đối tượng nuôi thủy sản, phân tích mẫu nước thuộc môi trường nuôi trồng, các phòng thử nghiệm khác của các trung tâm thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do thiếu kinh phí đầu tư, các phòng thử nghiệm trong tỉnh chỉ trang bị các thiết bị chính để thử nghiệm một số chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, nhưng hầu hết thiết bị này cũng đã cũ. Ông Long còn cho biết: “Các điều kiện môi trường thử nghiệm chưa được đảm bảo như chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, quản lý hóa chất độc hại… theo quy định của pháp luật”.
Một yếu tố cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các phòng thử nghiệm là chi phí thử nghiệm. Ông Phạm Quốc Hoàng ở Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên) cho biết: “Chi phí thử nghiệm hiện quá cao, nông dân khó có thể tiếp cận, nên dù trang thiết bị có thì mẫu kiểm tra vẫn ít. Bên cạnh đó, các phòng thử nghiệm vẫn chưa được cơ quan các cấp công nhận đủ tiêu chuẩn trong thanh kiểm tra các mẫu bệnh phẩm nên năng lực pháp lý chưa có. Do vậy, hầu hết các mẫu bệnh phẩm, dự lượng thuốc… đều phải gửi vào các trung tâm thử nghiệm tại TP Hồ Chí Minh hoặc TP Đà Nẵng”.
Lâu nay, các phòng thử nghiệm của các sở, ban ngành chưa có sự liên kết phối hợp nên chưa phát huy được năng lực hoạt động. Theo ông Dương Bình Phú, Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Phú Yên: “Sự đầu tư trang thiết bị cho phòng thử nghiệm ở Phú Yên chủ yếu tập trung ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, còn các doanh nghiệp và trường học vẫn chưa được quan tâm mấy. Hơn nữa, việc đầu tư này vẫn mang tính dàn trải và cục bộ, chưa có định hướng phát triển để phục vụ cho quản lý và các nhu cầu của thị trường”.
NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG, THỬ NGHIỆM
Để đảm bảo tính khách quan và tin cậy trong đánh giá sự phù hợp, các phép đo, phép thử, ông Huỳnh Thái Long cho rằng: “Cần trang bị các thiết bị thử nghiệm cần thiết để phát huy năng lực thử nghiệm, tăng số chỉ tiêu phép thử thực hiện. Bên cạnh đó, các phòng thử nghiệm cần có cán bộ có chuyên môn và kỹ năng thực hiện đúng các phép đo, phép thử theo quy định. Các điều kiện về môi trường thử nghiệm cũng cần thỏa mãn yêu cầu”. Ông Phạm Quốc Hoàng đề xuất: “Đối với những phòng thử nghiệm có đủ năng lực về trình độ chuyên môn, trang thiết bị thì cần cấp giấy chứng nhận đủ thẩm quyền để giải quyết các nhu cầu từ cơ sở”. Còn ông Dương Bình Phú đề nghị: “UBND tỉnh nên lập quy hoạch phát triển hệ thống các phòng kiểm định, hiệu chuẩn đo lường và thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu cụ thể của tỉnh và của từng ngành kinh tế - kỹ thuật”.
Ông Phan Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đầu tư (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường Việt Nam) nói: “Phú Yên cần xây dựng trung tâm đo lường và thử nghiệm của tỉnh đặt tại Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Phú Yên với các lĩnh vực đầu tư mới, tăng cường nâng cấp cho các lĩnh vực thử nghiệm về khối lượng, độ dài, dung tích - lưu lượng, nhiệt, áp suất, điện - điện tử, hóa lý. Giải pháp đầu tư này mang tính thực tiễn và khả thi vì thiết bị đo lường thử nghiệm thường có giá trị cao, nhiều dải đo, nhiều cấp chính xác. Nếu đầu tư phân tán sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng kém, lãng phí”.
Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần quy hoạch phát triển hệ thống các phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi toàn tỉnh làm căn cứ cho việc đầu tư phát triển, kiện toàn các phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và các ngành có liên quan. Bên cạnh đó, cần kiện toàn hệ thống kiểm định phương tiện đo của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và các tổ chức kiểm định được công nhận để đáp ứng yêu cầu kiểm định phương tiện đo của đo lường pháp quyền trong toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh nên hình thành mạng lưới các phòng hiệu chuẩn, thử nghiệm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia để phục vụ có hiệu quả yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đo lường và sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
MINH NGUYỆT