Thứ Bảy, 18/01/2025 15:56 CH
Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS):
Cần có định hướng, quy hoạch tổng thể
Thứ Hai, 27/07/2009 11:00 SA

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) đã đem lại hiệu quả trong công tác quản lý tại một số ngành ở Phú Yên. Tuy nhiên, việc ứng dụng vẫn còn một số hạn chế.

 

TT-Cong-nghe-thong-tin-0907.jpg

Trung tâm Công nghệ thông tin - truyền thông Phú Yên là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về hệ thống thông tin địa lý (GIS). - Ảnh: M.NGUYỆT

 

ỨNG DỤNG CÒN BỊ ĐỘNG VÀ TỰ PHÁT

 

Ứng dụng GIS đã bước đầu đem lại hiệu quả trong công tác quản lý cho một số ngành. Ở ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, ứng dụng GIS đã làm tăng năng suất giải quyết công việc cho Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm. Theo đánh giá của các đơn vị này, ứng dụng GIS làm tăng đáng kể năng suất công việc. Ngành Xây dựng đã ứng dụng GIS trong việc lập quy hoạch, quản lý xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở với thông tin chi tiết, tiện lợi, tra cứu thông tin nhanh hơn và lập các biểu bảng báo cáo chính xác, giúp tiết kiệm thời gian của người dân, doanh nghiệp. Với Sở Tài nguyên - Môi trường, GIS đã được ứng dụng trong quản lý hồ sơ, biến động đất đai, lưu vực sông, khai thác sử dụng nước ngầm, nước mặt, lập các báo cáo thống kê… Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Phú Yên thường xuyên nghiên cứu về lĩnh vực này để tư vấn, hỗ trợ một số ngành bước đầu ứng dụng GIS, liên tục tiếp cận với các giải pháp công nghệ mới để đổi mới các chương trình đào tạo về GIS.

 

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ GIS hiện vẫn còn một số hạn chế. Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phú Yên Đinh Thanh Tịnh cho rằng: “Việc ứng dụng GIS ở Phú Yên thời gian qua còn bị động và tự phát. Các đơn vị tiếp nhận kết quả như phần mềm, thiết bị, chương trình đào tạo từ các ngành cấp trên nhưng không được trực tiếp tham gia. Vì vậy, chức năng của các ứng dụng không phù hợp với yêu cầu thực tế của đơn vị. Điều này dẫn đến nhiều đề tài, dự án sau khi được tiếp nhận không phát huy tác dụng hoặc bỏ dở vì không được cập nhật kịp thời”. Trong quá trình ứng dụng GIS, mỗi ngành tự xây dựng một ứng dụng riêng, không tính đến khả năng chia sẻ thông tin, nhiều nội dung trùng lắp gây lãng phí. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu GIS là cơ sở dữ liệu tổng hợp nhiều ngành, nhiều lớp thông tin, chỉ phát huy tác dụng tốt nhất nếu được liên kết, chia sẻ. Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Nguyễn Chí Sỹ: “Nguyên nhân của tồn tại này là do chúng ta chưa đầu tư xây dựng quy hoạch, dẫn đến nhiều ngành rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu hoặc khi triển khai lại không nằm trong tổng thể, khó liên kết chia sẻ”.

 

Một số hạn chế khác cũng làm ảnh hưởng đến quá trình ứng dụng và phát triển GIS như đội ngũ cán bộ công chức chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống về GIS; đội ngũ ứng dụng và phát triển GIS phải kiêm nhiệm nhiều việc. Người đứng đầu một số đơn vị chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này. Ngoài ra, Nhà nước hiện chưa ban hành chuẩn thông tin, dữ liệu, quy trình và các quyết định bắt buộc áp dụng. Hệ thống bản đồ được đo vẽ theo nhiều hệ tọa độ khác nhau, gây khó khăn trong việc nối ghép, chuyển đổi qua lại giữa các hệ này.

 

CẦN CÓ QUY HOẠCH TỔNG THỂ

 

Để tạo điều kiện ứng dụng công nghệ GIS, theo Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên Đào Tấn Cam: “Phú Yên cần xây dựng một bản đồ nền thống nhất sử dụng chung cho toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cần thường xuyên mở các lớp đào tạo về GIS cho cán bộ của các sở, ban, ngành quản lý các lĩnh vực có ứng dụng GIS, hỗ trợ phương tiện, thiết bị để góp phần phát triển việc ứng dụng công nghệ này”. Còn Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên Nguyễn Phú đề xuất: “Cần có định hướng phát triển công nghệ thông tin, GIS theo từng giai đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm GIS thống nhất. Ngoài ra, tỉnh nên xây dựng hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu GIS chia sẻ cho các ngành có sự cập nhật theo biến động của quy hoạch hạ tầng đô thị”. Để việc ứng dụng GIS mang tính khoa học và đạt hiệu quả thiết thực, theo  Trưởng phòng Công Thương huyện Tuy An Nguyễn Xuân Khiêm: “Việc tổ chức thu thập, nhập, kiểm tra, lưu trữ dữ liệu hệ thống thông tin địa lý phải mang tính bắt buộc đối với từng ngành, từng cấp có liên quan. Mỗi cấp phải giao nhiệm vụ cho một cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp dữ liệu chung của cấp mình và chia sẻ việc sử dụng thông tin đó”.

 

Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Đinh Thanh Tịnh đề xuất: Cần lập quy hoạch tổng thể hệ thống thông tin địa lý tỉnh Phú Yên. Dự án sẽ tiến hành đánh giá đầy đủ hiện trạng ứng dụng GIS, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Phú Yên trong những năm tới. Bên cạnh đó, tỉnh nên giao cho một đơn vị làm đầu mối trong ứng dụng phát triển GIS. Đơn vị này có chức năng tham mưu UBND tỉnh về chiến lược, kế hoạch xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý nhà nước; cung cấp kịp thời các thông tin địa lý theo yêu cầu của UBND tỉnh, quản lý bảo dưỡng, tích hợp và phát triển cơ sở dữ liệu của GIS Phú Yên theo quy chế hành chính - kỹ thuật cho hệ thống thông tin địa lý tỉnh; đào tạo, tuyên truyền và phổ biến về hệ thống thông tin địa lý. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu áp dụng giải pháp GIS công nghệ mã nguồn mở, nhằm cung cấp thêm sự lựa chọn cho các sở, ngành.

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek