Ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện các đề tài, dự án khoa học - công nghệ (KHCN). Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, công tác tuyển chọn danh mục đề tài, dự án trước khi triển khai thực hiện được Sở KHCN Phú Yên thực hiện nghiêm ngặt. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Đào Tứ Xuyên, Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN Phú Yên, xung quanh vấn đề này.
Nghiên cứu khoa học ngày càng đòi hỏi chất lượng, hiệu quả - Ảnh: MINH NGUYỆT
* Ông có thể cho biết trình tự xác định danh mục đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh?
Vào tháng 5 hàng năm, Sở KHCN có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc đề xuất và đăng ký đề tài, dự án KHCN cho năm sau liền kề để các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm công tác nghiên cứu KHCN lập phiếu đề xuất và đăng ký đề tài, dự án.
Trên cơ sở đó, Sở KHCN tổng hợp danh mục các đề tài, dự án đã đăng ký, sau đó Hội đồng KHCN tỉnh tiến hành tư vấn, xác định danh mục các đề tài, dự án theo từng lĩnh vực; đồng thời, phân tích và phản biện những nội dung mang tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và công nghệ (tính mới, tính tiên tiến về công nghệ), ý nghĩa kinh tế - xã hội, khả năng áp dụng của đề tài trong thực tiễn… Hội đồng bỏ phiếu để đánh giá xếp các đề tài, dự án vào hai loại: đề tài, dự án đề nghị thực hiện và không thực hiện, trong đó có loại đề tài, dự án ưu tiên thực hiện.
Việc phê duyệt danh mục đề tài, dự án KHCN để tuyển chọn hoàn thành trước ngày 15/7 của năm trước liền kề năm kế hoạch và được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
* Điều kiện để xác định đề tài, dự án KHCN ghi vào danh mục như thế nào, thưa ông?
Đề tài KHCN phải tạo ra những sản phẩm KHCN có giá trị và khả năng phát triển, nhân rộng xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và giải quyết những vấn đề cấp thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề tài khoa học xã hội và nhân văn phải phục vụ trực tiếp, đáp ứng kịp thời yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước tại địa phương, phù hợp với định hướng, kế hoạch phát triển khoa học xã hội.
Đối với dự án sản xuất thử nghiệm phải xuất phát từ định hướng phát triển kinh tế, xã hội trước mắt và lâu dài từ yêu cầu nhiệm vụ của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Dự án tập trung vào các hướng công nghệ ưu tiên theo chỉ định và những hướng công nghệ phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn; tạo ra quy trình công nghệ và sản phẩm mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao, tạo việc làm, kích thích ngành nghề phát triển; đồng thời tiết kiệm tài nguyên, nhân lực, phát triển mặt hàng xuất khẩu hoặc thay thế mặt hàng nhập khẩu, bảo vệ môi trường. Xuất xứ của dự án là kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được công nhận. Các sáng chế, sản phẩm khoa học đoạt giải thưởng hội thi sáng tạo, nếu là kết quả KHCN từ nước ngoài, phải có tổ chức có thẩm quyền công nhận.
Đối với các đề tài, dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi thì dự án hướng vào giải quyết các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cấp thiết tại địa phương. Có quy trình kỹ thuật ổn định, phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân vùng dự án. Dự án phải khả thi về điều kiện cơ sở hạ tầng, khả năng huy động các nguồn vốn đối ứng và nhân rộng kết quả các mô hình. Cơ quan chủ trì có năng lực tổ chức chỉ đạo và thực hiện dự án. Địa bàn dự án phải có tính đại diện cho một vùng hoặc tiểu vùng kinh tế sinh thái đặc trưng để có thể nhân rộng mô hình; phải xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương; chính quyền và nhân dân nơi triển khai dự án tự nguyện cam kết thực hiện và tham gia nguồn vốn đối ứng.
Các đề tài KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi thuộc ngành nào thì phải có sự thống nhất thực hiện và cam kết bằng văn bản huy động nguồn lực của ngành đó để nhân rộng mô hình.
* Xin cảm ơn ông!
MINH TRIẾT (thực hiện)