Sông Hinh là địa phương có điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai phì nhiêu thích hợp cho việc phát triển cây ăn trái nói chung và cây sầu riêng nói riêng. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng thấp, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững sầu riêng Sông Hinh.
Để sầu riêng Sông Hinh có được thương hiệu, vị thế và đem lại sinh kế cho người dân, thời gian đến cần có những giải pháp nhằm từng bước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Còn nhiều bất cập
Theo bà Lý Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, hiện nay, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện là 800ha, diện tích cho thu hoạch gần 400ha, năng suất bình quân đạt khoảng 17 tấn/ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn.
Bên cạnh những kết quả bước đầu vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Việc trồng cây sầu riêng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao, thời gian dài. Diện tích trồng cây sầu riêng chưa tập trung, phân tán và chất lượng chưa đồng đều. Số diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP còn thấp so với tổng diện tích trồng sầu riêng hiện có khiến cho việc nâng cao năng suất và chất lượng sầu riêng còn nhiều bất cập. Mặt khác, hiện vẫn chưa có cơ sở sản xuất giống tại chỗ, hầu hết phải nhập từ tỉnh Đắk Lắk, nên thiếu chủ động về giống, khó kiểm soát được chất lượng giống và nâng cao chi phí trung gian trong sản xuất.
Theo ThS Phùng Tấn Thi, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh), hiện nay, mật độ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Sông Hinh chưa có sự đồng nhất, nhiều hộ trồng dày 200 cây/ha, có hộ trồng thưa khoảng 100 cây/ha…
Bên cạnh đó, các chủ vườn chưa được hướng dẫn quy trình bón phân và sử dụng phần lớn phân vô cơ, hữu cơ, phân bón lá nên thường dư đạm, không đúng liều lượng. Điều này khiến cho việc quản lý dinh dưỡng cho cây sầu riêng còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong canh tác. Đặc biệt, nhiều hộ canh tác sầu riêng cây không có trái, trái bị rụng non, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
Theo TS Lâm Văn Hà, Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng nông hóa), thời gian qua, hầu hết các vườn trồng sầu riêng ở Sông Hinh tỉ lệ trái có múi bị lép, trái vẹo khá cao, nhất là có hiện tượng sượng múi, phần cơm có màu nâu, không có màu vàng tươi hay màu sắc không đồng đều, ảnh hưởng xấu đến chất lượng và giảm giá trị trên thị trường.
“Để cây sầu riêng Sông Hinh có được thương hiệu, vị thế và đem lại sinh kế cho người dân, thời gian đến, huyện cần có nhiều giải pháp nhằm từng bước phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho sầu riêng Sông Hinh. Trong đó, việc quy hoạch các vùng thích hợp trồng sầu riêng để ổn định chất lượng và nâng cao năng suất là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng”, TS Lâm Văn Hà nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng sầu riêng, người trồng sầu riêng ở Sông Hinh cần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN. Ảnh LỆ VĂN |
Tìm giải pháp
Là người trồng sầu riêng có nhiều kinh nghiệm, ông Cao Nguyên Lâm (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) cho rằng, nếu trồng sầu riêng không đúng cách rất dễ xảy ra hiện tượng trái méo, lép múi, lệch tâm, trái không tròn đều, sượng cơm khi chín..., chất lượng trái, giá trị sản phẩm không như mong đợi.
Đặc biệt khi cây sầu riêng ra hoa, thụ phấn không đủ, thụ tinh không hoàn toàn rất dễ nhận thấy giai đoạn trái trứng cút bị méo và không tròn đều. Một cây để quá nhiều trái trên cùng một chùm dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng, rụng trái sinh lý, giật hộc, lép hộc.
“Để giúp cây phát triển và đạt năng suất tốt, việc tưới nước đúng cách, bón phân đầy đủ dinh dưỡng, xử lý sâu bệnh và bảo vệ cây khỏi những thời tiết khắc nghiệt là những điều cần thiết. Do đó, việc chăm sóc cây sầu riêng đúng cách sẽ mang lại cho người trồng những trái sầu riêng ngọt ngào và thơm ngon”, ông Cao Nguyên Lâm nói.
Theo TS Lâm Văn Hà, để phát huy lợi thế và giảm bớt những tồn tại, bất cập để phát triển bền vững vùng trồng sầu riêng huyện Sông Hinh thì việc nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sầu riêng là hết sức cấp bách, nhằm khai thác hết thế mạnh về tiềm năng đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đẩy mạnh phát triển, mở rộng vùng trồng.
Song song đó, việc duy trì, phục hồi và đảm bảo sức khỏe đất canh tác, hướng tới sử dụng đất bền vững, chống lại thoái hóa đất và thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ góp phần nâng cao sản lượng như tăng tỉ lệ ra hoa đậu trái, hạn chế sâu bệnh hại và hạn chế được các hiện tượng vẹo trái, trái quá kích cỡ, trái rụng, sượng cơm.
“Thời gian đến, huyện Sông Hinh cần phải xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng vùng trồng sầu riêng, từng bước nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm sầu riêng. Song song đó là việc xây dựng mô hình cải tạo và quản lý canh tác bền vững vùng trồng sầu riêng huyện Sông Hinh; xây dựng được hệ thống thông tin trực tuyến phục vụ quản lý, theo dõi và giám sát chất lượng vùng trồng sầu riêng của huyện. Để làm được điều này, việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho người quản lý và sản xuất sầu riêng là rất quan trọng”, TS Lâm Văn Hà cho biết thêm.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, thời gian đến, ngành KH&CN sẽ tích cực phối hợp với ngành NN&PTNT, huyện Sông Hinh tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, nghiên cứu các giải pháp để tăng khả năng chống chịu của cây sầu riêng đối với bất lợi của thời tiết, dịch bệnh...
Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào. Đặc biệt khuyến cáo nông dân không nên tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo thị trường, nhất là phải sản xuất theo hợp đồng.
“Để nâng cao năng suất, chất lượng cho sầu riêng Sông Hinh, thời gian đến huyện cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, sạch và công nghệ cao; đồng thời tăng cường ứng dụng KH&CN, sử dụng giống sầu riêng chuẩn, có năng suất và chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng phân bón vô cơ và hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh”, ông Dương Bình Phú lưu ý thêm.
Sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế cao, đã và đang được trồng trên vùng đất Sông Hinh. Chất lượng trái sầu riêng rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến giá trị thương phẩm tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người trồng sầu riêng.
TS Lâm Văn Hà |
VĂN TÀI