Hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, chế biến còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu các giải pháp công nghệ phù hợp, chưa kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và các nhà khoa học.
Trước thực trạng này, ngành KH&CN Phú Yên đã nỗ lực triển khai nhiều đề tài nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp hữu cơ (NNHC) trên địa bàn tỉnh phát triển…
Còn nhiều khó khăn
Phú Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển NNHC, dựa trên sự phong phú về tài nguyên đất, nước, khí hậu, phân bố ở nhiều địa hình, độ phì tự nhiên tương đối cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Bên cạnh đó, nguồn lao động từ 18 tuổi trở lên ở khu vực nông thôn dồi dào; nhận thức về NNHC của người dân trong sản xuất, cũng như tiêu dùng ngày càng cao. Tuy nhiên, vùng sản xuất NNHC thường không tập trung và không có dải ngăn cách đủ an toàn cho sự xâm lấn của chất hóa học từ vùng sản xuất có sử dụng hóa chất tràn sang nguồn nước tưới… khiến cho NNHC chưa phát triển.
Theo ThS Phùng Tấn Thi, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh), khó khăn nhất hiện nay đối với NNHC ở Phú Yên là trình độ, kỹ thuật của người dân chưa đủ để tự sản xuất NNHC nên họ rất cần các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn và cầm tay chỉ việc.
Mặt khác, người dân chủ yếu sản xuất thuần nông, không có thói quen ghi chép, theo dõi nhật ký trồng trọt; quy mô và hiệu quả sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, tự phát, các doanh nghiệp và hộ sản xuất NNHC chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ. Nhiều nông hộ sản xuất theo phương thức truyền thống, ngại đổi mới khi áp dụng tiến bộ KH&CN. Bên cạnh đó, việc quy hoạch vùng sản xuất NNHC tại Phú Yên chưa được xây dựng, chính sách hỗ trợ cho NNHC chưa cụ thể.
Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến NNHC ở Phú Yên chưa phát triển, mặc dù thời gian qua, một số HTX, doanh nghiệp đã ứng dụng và sản xuất NNHC. Điển hình như HTX Rau củ quả hữu cơ Trusty Veg (huyện Sơn Hòa), HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình Ngọc (TP Tuy Hòa); hay ở các vùng xã An Hiệp, An Hòa Hải (huyện Tuy An), người dân vẫn giữ truyền thống sản xuất các loại gạo đỏ hữu cơ theo hướng thuận tự nhiên với diện tích khoảng 200ha, sản lượng 500 tấn/năm.
Từ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, người dân huyện Tây Hòa ứng dụng chế phẩm sinh học để trồng lúa. Ảnh: LỆ VĂN |
Tìm giải pháp
Thực hiện Quyết định 885 ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 189 ngày 22/10/2021 triển khai Đề án phát triển NNHC đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thực hiện từ 3-6 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 0,1-0,2% tổng diện tích đất trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực và tiềm năng, như: Cây lúa, cây ăn trái, cây dược liệu, hồ tiêu, đậu phộng, rau đậu các loại; nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Theo TS Lê Trọng Lư (Trường đại học Yersin - Đà Lạt), để thúc đẩy ngành NNHC ở Phú Yên phát triển, thời gian đến, tỉnh phải có nhiều giải pháp về đất đai, KH&CN, về cơ chế, chính sách và vốn đầu tư cho NNHC; nâng cao chất lượng nguồn lao động NNHC và thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.
“Tỉnh cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch ngành trồng trọt của tỉnh, phát triển NNHC thành sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn với lợi thế từng địa phương trong tỉnh dựa trên các nghiên cứu cũng như các đề tài KH&CN về NNHC. Trong đó, phải xác định vùng chuyên canh NNHC, đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút đầu tư phát triển NNHC”, TS Lê Trọng Lư chia sẻ.
ThS Lê Trọng Bình (Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam), thì cho rằng cần phải tăng cường các ứng dụng KH&CN vào sản xuất NNHC. Trọng tâm là tăng cường chính sách thu hút đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp; triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất NNHC theo hướng xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với mô hình công nghệ cao đối với sản phẩm NNHC; tăng cường khả năng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ cho nông dân và khuyến khích người sản xuất áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất NNHC theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… để tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Mới đây, Trung tâm KH&CN Phú Yên (Sở KH&CN) tổ chức hội thảo xác định nhu cầu công nghệ trong NNHC tại tỉnh Phú Yên. Hội thảo thu hút 50 đại biểu đến từ hội nông dân, phòng NN&PTNT 9 huyện, thị xã và các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu NNHC trong và ngoài tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề gợi mở để xác định nhu cầu công nghệ trong NNHC tỉnh Phú Yên. Đồng thời tập trung đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển NNHC tại Phú Yên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng cạnh tranh cho nông sản của tỉnh thời gian đến.
“Việc áp dụng các tiến bộ khoa học như chế phẩm sinh học, công nghệ quản lý đất, nước và mô hình canh tác bền vững được xác định là yếu tố then chốt để phát triển NNHC; tăng cường kết nối giữa các bên liên quan, từ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đến nông dân, nhằm xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững. Sở KH&CN sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực cho người sản xuất, đồng thời xây dựng các cơ chế hỗ trợ, chính sách đặc thù để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực NNHC trong thời gian đến”, ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh.
Theo Đề án phát triển NNHC đến năm 2030 tỉnh Phú Yên, phấn đấu đến năm 2030, thực hiện từ 6-12 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt hơn 0,5% tổng diện tích đất trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực và tiềm năng, như: Cây lúa, cây ăn trái, cây dược liệu, hồ tiêu, đậu phộng, mè, rau đậu các loại; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. |
VĂN TÀI