Máy bay không người lái Zephyr-6 do Anh chế tạo đã lập kỷ lục thế giới về thời gian bay liên tục trong 3 ngày đêm bằng pin Mặt trời. Cuộc bay thử được tiến hành tại một căn cứ quân sự Mỹ trong một nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới để hỗ trợ cho bộ binh.
Chiếc máy bay không người lái Zephyr-6 được giới quân sự đánh giá cao vì nếu được ứng dụng làm máy bay gián điệp thì loại máy bay này là rất lý tưởng.
Máy bay không người lái Zephyr - 6 cất cánh Ảnh: BBC
Chiếc Zephyr-6 khi cất cánh phải nhờ con người phóng lên sau đó nó được một thiết bị điều khiển từ xa đưa lên độ cao 18 km.
Tại đây, chiếc Zephyr-6 tự bay trong không gian bằng năng lượng do nó tích tụ được từ năng lượng Mặt trời nhờ hệ thống pin sạc cao cấp. Điều khiển bay cho chiếc Zephyr-6 lúc này là các tín hiệu phát ra từ vệ tinh do trung tâm mặt đất chỉ huy.
Điều thú vị là chiếc máy bay không người lái này bay được cả ban đêm khi không còn ánh nắng Mặt trời. Các pin sạc cao cấp đã tích lũy được đủ điện năng từ hệ thống pin mặt trời lắp trên cánh máy bay. Cuộc thử nghiệm cho thấy chiếc máy bay không người lái Zephyr-6 đã bay được liên tục trong thời gian 82 giờ 37 phút.
Chuyên gia Chris Kelleher của Viện nghiên cứu Quốc phòng Anh cho rằng máy bay không người lái Zephyr-6 có nhiều ưu điểm hơn các máy bay thông thường và thậm chí hơn cả vệ tinh. Thế mạnh của Zephyr-6 là nó duy trì liên tục suốt ngày đêm ở một vị trí gần Trái đất.
Vệ tinh cũng quan sát được một điểm trên Trái đất nhưng vệ tinh chỉ bay qua điểm đó hai lần trong một ngày mà một trong hai lần đó lại vào ban đêm. Do vậy các thông tin thu được từ vệ tinh không thể so sánh được với máy bay không người lái Zephyr-6 là thiết bị có mặt trên mục tiêu cần quan sát liên tục trong suốt nhiều ngày.
Ông Kelleher cho biết, hiện chiếc Zephyr-6 còn cần được cải tiến thêm để thiết bị bay không người lái này có thể bay được trong không gian liên tục nhiều tháng chứ không phải là 3 ngày đêm như hiện nay.
Zephyr-6 nặng 30 kg có thể mang được một thiết bị thông tin nặng 2 kg. Vật liệu chính để chế tạo phần khung và cánh máy bay này làm từ vật liệu sợi carbon siêu nhẹ. Các tấm pin Mặt trời mỏng như tờ giấy được gắn vào cánh máy bay. Để máy bay này có thể bay được ban đêm các nhà thiết kế đã sử dụng pin sạc lithium sulphur có mật độ năng lượng nhiều gấp hai lần pin sạc lithium polymer.
Ông Kelleher cho biết, loại pin sạc này cho hiệu quả hoàn hảo. Đây là kết quả hợp tác của nhóm nghiên cứu với Tập đoàn Sion sau nhiều năm. Điều thú vị là chiếc Zephyr-6 trở thành thiết bị đầu tiên được sử dụng loại pin sạc cao cấp này.
Qua thử nghiệm, máy bay không người lái Zephyr-6 có thể chịu được điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt từ 45oC trên mặt đất sa mạc đến âm 70oC ở độ cao 18 km. Do Zephyr-6 hiện nay mới chở được thiết bị 2 kg, các kỹ sư chế tạo máy bay này đang hợp tác với hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ để cho ra đời một chiếc máy bay chạy bằng pin Mặt trời lớn nhất trong lịch sử với sức chở 450 kg, bay được liên tục trong 5 năm.
Theo TPO