Thứ Ba, 08/10/2024 01:21 SA
Đầu ra quyết định hiệu quả của đào tạo nghề
Chủ Nhật, 15/11/2020 07:00 SA

Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung ký kết hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ảnh: THÚY HẰNG

Đào tạo nhân lực đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là mục tiêu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay. Nhờ vậy, người học nghề nhanh chóng tìm được việc làm.

 

Linh hoạt để phù hợp nhu cầu doanh nghiệp

 

Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2020, mục tiêu tuyển sinh của hệ thống GDNN cả nước là 2,26 triệu người, trong đó trung cấp và cao đẳng đạt 580.000 người, còn lại là sơ cấp và các chương trình khác. Mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19 nhưng cuối tháng 10/2020, hệ thống GDNN đã tuyển được hơn 90% chỉ tiêu so với cùng kỳ. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành các chỉ tiêu tuyển sinh. Một số cơ sở GDNN đã gần như tuyển đủ, thậm chí vượt chỉ tiêu.

 

Tại Phú Yên, từ tháng 10, một số trường cao đẳng đã khai giảng năm học mới, vì số lượng học sinh, sinh viên (HSSV) nhập học khá đông. Cụ thể như Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung có hơn 1.500 HSSV nhập học; Trường cao đẳng Nghề Phú Yên có hơn 520 HSSV nhập học. Sức hút của các cơ sở GDNN có nhiều nguyên nhân, bên cạnh uy tín vốn có của các trường thì chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng nhất. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các cơ sở GDNN đã có nhiều cách làm linh hoạt để phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, giúp người học sau khi tốt nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm.

 

TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho hay, chương trình đào tạo của các trường cao đẳng giờ đã thay đổi nhiều, lý thuyết chỉ chiếm 30%, còn thực hành chiếm 70%. Các trường mạnh dạn ký kết với doanh nghiệp, đảm bảo thực hành thực tập và đảm bảo đầu ra, giúp người học an tâm. Điều này giúp cho phụ huynh và thí sinh tin tưởng lựa chọn học nghề.

 

Tại Trường cao đẳng Công Thương Miền trung, hiện có 19 ngành nghề đào tạo và đang hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp để chia sẻ đánh giá chất lượng, tuyển dụng, góp ý chương trình đào tạo, tài trợ trang thiết bị, hỗ trợ cho các cuộc thi học thuật, chia sẻ công nghệ mới… Từ đó, nhà trường có sự thay đổi phù hợp, linh hoạt hơn trong chương trình đào tạo để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp.

 

“Ngoài thương hiệu, chất lượng đào tạo của trường thì đầu ra không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chính là sức hút lớn nhất đối với HSSV học nghề”, TS Trần Kim Quyên nhấn mạnh.

 

Sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp là một trong những xu thế hiện nay để nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường, giúp người học tiếp cận gần hơn với thị trường lao động. TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề chia sẻ: Nếu như trước đây các trường liên hệ với doanh nghiệp thường chỉ để xin tham quan và cho HSSV thực tập, còn hiện nay, việc hợp tác đã trở nên toàn diện hơn. Điều này giúp thay đổi về chất lượng đào tạo, thay đổi quan điểm của xã hội về học nghề. Chính những yếu tố này giúp người học yên tâm khi theo học nghề, bởi chi phí thấp hơn so với đại học, nhanh ra trường và dễ kiếm việc làm.

 

Doanh nghiệp đến tận cơ sở đào tạo nghề để tuyển dụng học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Đầu ra là yếu tố quyết định tất cả

 

Theo đánh giá của Tổng cục GDNN, tỉ lệ lao động tham gia học nghề ngày một tăng là nhờ nhận thức người dân đã có những thay đổi. Thêm vào đó, các cơ sở đào tạo cũng nâng cao chất lượng đào tạo, cam kết giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề... Tất cả những điều này đã góp phần cung ứng nguồn nhân lực tay nghề cao hơn cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.

 

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho hay: Xã hội hóa GDNN, gắn kết doanh nghiệp và các trường nghề trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp vẫn là hướng lựa chọn tối ưu trong hệ thống GDNN. Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Vì vậy, hiện nhiều trường đã chủ động thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, với thị trường lao động thông qua việc ký kết hợp tác song phương nhà trường - doanh nghiệp để thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Có thể kể đến, tại lễ tốt nghiệp của nhiều trường, luôn có một vài đến hàng chục doanh nghiệp tham dự để thực hiện ký kết hợp đồng tuyển dụng ngay với HSSV tốt nghiệp.

 

“Trong năm 2019, tỉ lệ HSSV tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%. Trong đó tỉ lệ SV cao đẳng ra trường có việc làm đạt 85%, với mức thu nhập khởi điểm bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng; trung cấp đạt khoảng 80% với mức thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề khối kỹ thuật, nhà hàng, khách sạn có mức thu nhập khá cao từ 8-12 triệu đồng/tháng, có những nghề ở một số trường SV tốt nghiệp có mức thu nhập lên đến 10-15 triệu đồng/tháng”, ông Khánh cho biết thêm.

 

Theo hướng này, ngành LĐ-TB-XH nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quản lý GDNN theo hướng chú trọng đầu ra, gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp đối với lao động qua đào tạo và sự hài lòng của người học về việc làm và thu nhập tăng thêm sau đào tạo là thước đo chất lượng, hiệu quả của hệ thống GDNN.

 

Giải thể các cơ sở GDNN yếu kém

 

Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, sau 3 năm tổ chức sắp xếp quy hoạch lại mạng lưới GDNN, đến nay nước ta đã hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy phạm pháp luật. Các địa phương cũng đã sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới này. Kết quả cả nước đã giảm từ 1.996 xuống 1.909 cơ sở GDNN và giảm 77 trường công lập. GDNN của Việt Nam từ chỗ chưa được xếp hạng, đến nay đã đứng thứ 90 trong tổng số 158 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 10 bậc so với năm 2019. Thời gian tới, việc quy hoạch sẽ tập trung vào sắp xếp lại các trung tâm GDNN theo hướng “3 trong 1” hoặc “2 trong 1”. Đó là GDNN, giáo dục thường xuyên, giáo dục tổng hợp. Các trung tâm này ngoài chức năng đào tạo và bồi dưỡng, sẽ còn làm cánh tay nối dài của các cơ sở đào tạo. Đồng thời kiên quyết giải thể các cơ sở yếu kém, sáp nhập các cơ sở trùng chức năng.

 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với hướng tập trung sắp xếp lại hệ thống GDNN, các tỉnh sẽ chỉ còn một, hai trường cao đẳng đào tạo đa ngành, đa hệ. Đồng thời, Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích đầu tư hình thành hệ thống giáo dục chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo cấp độ; công bố khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu trình độ ASEAN để triển khai. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100 trường chất lượng cao, 50 trường đạt chuẩn ASEAN, 15 trường đạt chuẩn G20, GDNN của Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trong ASEAN, quy mô tuyển sinh gấp ba lần hiện nay.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek