Thứ Ba, 04/02/2025 21:54 CH
Hạn chế dùng điện - Giải pháp để không mất điện!
Thứ Sáu, 09/05/2008 07:25 SA

Nếu luân phiên để giữ cho hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn và ổn định đang được xem là “giải pháp hiệu quả” thì giải pháp điều tiết, hạn chế phụ tải trong giờ cao điểm, hạn chế phụ tải trong mùa thiếu điện bằng thiết bị - nếu được nghiên cứu, triển khai thực hiện -  có thể sẽ hiệu quả hơn.

 

080508-Den-tiet-kiem-dien-1.jpg

Khách hàng chọn mua đèn compact tiết kiệm điện tại Chi nhánh Điện TP Tuy Hòa – Ảnh: M.NGUYỆT

 

Giờ cao điểm của ngành Điện được xem là từ 18 đến 22 giờ đối với “mùa thiếu điện” và có thể ngắn hơn đối với mùa đủ và mùa “thừa” điện. Giữa hai chọn lựa nếu có, một là chịu mất điện luân phiên, hai là vẫn có điện nhưng không được dùng một cách “thoải mái”, tôi nghĩ nhiều người chọn cái sau, dẫu sao “có còn hơn không”, vì điện thực sự là nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người dân trong hoạt động và sinh hoạt hàng ngày…

 

Có một câu hỏi đặt cho ngành Điện: Trong giờ cao điểm, mỗi hộ sử dụng điện tiết giảm bao nhiêu % công suất so với bình thường thì sẽ không còn bị mất điện luân phiên? Theo tôi, nếu có thông số này, một thiết bị gắn sau đồng hồ, trước phụ tải sẽ “buộc” phụ tải chỉ được sử dụng một công suất (nhất định) ứng với mỗi thời điểm thiếu điện là một giải pháp để chấm dứt hiện tượng mất điện luân phiên như hiện nay.

 

Xin nêu dưới đây một số ví dụ mang tính minh họa:

 

Mô phỏng thiết bị:

 

- Bộ đếm thời gian, có nguồn nuôi pin.

 

- Cơ cấu đo dòng điện hoặc công suất tiêu thụ tức thời – so sánh.

 

- Bộ xử lý điều khiển đóng cắt điện.

 

Hoạt động:

 

- Đặt mức dòng điện tối đa cho phép lúc bình thường (giả sử I).

 

- Đặt mức dòng điện tối đa cho phép khi cao điểm (ví dụ 30% I - 50% I).

 

- Căn cứ bộ đếm thời gian, thiết bị sẽ cho phụ tải sử dụng một công suất, hoặc dòng điện nhất định.

 

- Khi dòng điện lớn hơn mức cài đặt trong vòng 3 giây, thiết bị sẽ cắt điện. Tự đóng điện lại sau 5 phút và kiểm tra lại hệ thống.

 

Ưu điểm của việc sử dụng thiết bị này là hạn chế phụ tải trong giờ cao điểm, trong mùa thiếu điện, khi có sự cố lưới điện mà không cần cắt điện luân phiên; lắp đặt nhanh, gọn, cài đặt và thay đổi chế độ dễ dàng. Những tiện ích là: Thứ nhất, chỉ hạn chế những thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn và những thiết bị công suất trung bình hoạt động đồng thời; không ảnh hưởng nhiều đến những sinh hoạt thiết yếu nhất của nhân dân như nhu cầu nấu ăn, chiếu sáng học tập, nghiên cứu, giải trí. Giả sử khống chế đến mức 1200W/h, một người tính giỏi vẫn có thể nấu cơm điện cho gia đình một cách bình thường (tắt bớt chiếu sáng), xong, gia đình có thể ăn tối với ánh sáng và quạt (vì không dùng bếp nữa). Thứ hai, người dân tự thấy khi dùng những thiết bị điện tiêu thụ ít năng lượng sẽ được dùng nhiều thiết bị hơn (thay vì phải vận động như hiện nay). Thứ ba, trong mọi trường hợp, thiết bị trên hoạt động như một thiết bị an toàn điện vì nó cắt điện ngay lập tức khi xảy ra chập điện hoặc bảo vệ thiết bị, động cơ không bị cháy khi quá tải hoặc khi có sự cố khác.

 

Tuy vậy, thiết bị vẫn có nhược điểm: Nếu sử dụng nhập thủ công sẽ có tiêu cực, thí dụ công nhân lắp đặt sẽ có sự ưu tiên cho người quen (?!). Nhưng nhược điểm này có thể khắc phục không khó lắm.

 

Làm gì với công suất chỉ 1.200W trong thời gian cao điểm?

 

Một gia đình có 5 người và với những thiết bị sau: nồi cơm điện: 700-800W, tủ lạnh: 70-150W, tivi hoặc máy nghe nhạc 80W, chiếu sáng: 5 bóng huỳnh quang 50W/đèn, đèn học 20W, một dàn máy vi tính 250W, máy giặt 500W, lò vi ba 1.000W, máy điều hòa không khí 1.500W, bình nước 1.500W, bơm nước 750W, bàn ủi (1.000W), quạt máy 75W. Trong giờ cao điểm nếu thực hiện:

 

- Bơm nước (nếu trước đó bồn chưa đầy) > 1.000W

 

- Nấu cơm hoặc vi sóng dùng xen kẽ + 1 đèn, các thiết bị khác tắt ~ 1.200W

 

- Giờ ăn: Tủ lạnh + tivi + 2 đèn + 2 quạt < 1.200

 

- Ăn xong: Tủ lạnh + tivi + 5 đèn + 3 quạt + máy tính + đèn học < 1200W

 

Rõ ràng, nếu sử dụng hợp lý thiết bị, một phần công suất điện vẫn có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân, tốt hơn sống với những thiết bị “tiện nghi” nhưng không có điện.                    

 

KS TRẦN ĐÌNH HIỆP (TN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek