Người dân Việt Nam rất năng động trong hội nhập với thế giới phẳng. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực cho công tác quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là tin giả, tin xấu, tin độc…
Có thể nói chưa bao giờ, công tác quản lý thông tin trên môi trường mạng là vấn đề đặt ra một cách cấp bách như hiện nay. Bởi sau 22 năm internet có mặt tại Việt Nam (tính từ ngày 19/11/1997, internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước), Việt Nam đã có hơn 60 triệu người dùng, xếp thứ 20 trong số quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng internet nhiều nhất và xếp thứ 18 trong số quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng facebook và YouTube nhiều nhất.
Mặt tích cực cho thấy, người dân Việt Nam rất năng động trong hội nhập với thế giới phẳng. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực cho công tác quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là tin giả, tin xấu, tin độc…
Đối với người dân, khi sử dụng mạng xã hội phải có trách nhiệm khi đăng tải nội dung, bình luận trên mạng xã hội; có trách nhiệm khi chia sẻ lại nội dung của người khác trên mạng xã hội; có trách nhiệm đính chính khi viết sai và phản bác thông tin sai sự thật. |
Thế nào là tin giả? Hiện nay, nhiều nước như EU, Anh, Pháp, Malaysia, Singapore... đều có những định nghĩa về tin giả (fake news) theo nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung đều thống nhất tin giả là những thông tin phản ánh sai lệch một phần hoặc toàn bộ so với sự thật, do một chủ thể cố ý tạo ra nhằm phục vụ một mục đích, ý đồ riêng nào đó.
Thông tin xấu độc được phát tán trên môi trường mạng là những thông tin bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”, lẫn lộn đúng sai - thật giả, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu sai trái, thù địch.
Hầu hết những loại thông tin này đều gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, gây bức xúc trong dự luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực; xuyên tạc lịch sử, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…
10 dấu hiệu nhận diện thông tin xấu độc
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 đã quy định rất chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng. Theo đó, 10 dấu hiệu sau đây có thể giúp chúng ta nhận diện thông tin xấu độc trên môi trường mạng.
Thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Xuyên tạc đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chính sách đối ngoại của Đảng ta, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập thế giới.
Xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong quân đội gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, gieo rắc hoài nghi, thiếu tin tưởng trong quần chúng nhân dân.
Lợi dụng điểm nóng kích động, kêu gọi biểu tình, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ sắc tộc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức.
Phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây.
Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus.
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân; thông tin quảng cáo sai sự thật, vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quảng cáo.
Các hình thức chống phá trên không gian mạng
Nhiều người vẫn quan niệm không gian mạng là không gian ảo, đời sống ảo. Tuy nhiên hiện nay, đời sống thực có gì thì không gian mạng cũng tương tự như thế. Cuộc sống thực có hành vi, tệ nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì trên không gian mạng cũng có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ví von, đời sống thực có rác thải ra môi trường và chúng ta phải xử lý rác, thì trên không gian mạng cũng có rác, chúng ta cũng phải xử lý, nếu không sẽ phương hại vô cùng. Rác trên không gian mạng chính là tin giả, tin xấu, tin độc hại… Muốn xử lý được rác trên môi trường mạng, chúng ta phải nhận diện cách thức “xả rác” đó như thế nào.
Đó chính là các hành vi lập trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên Facebook; xây dựng các tài khoản, Fanpage chống phá Nhà nước Việt Nam; các hành vi quảng cáo chính trị trên Facebook; xây dựng các clip phản động trên YouTube; cho phép đăng tải lại các clip, nội dung vi phạm pháp luật đã gỡ theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước; gợi ý những nội dung phản động trên YouTube…
Trách nhiệm của ngành Thông tin và Truyền thông
Một trong những khó khăn trong quản lý thông tin trên mạng là hệ thống pháp luật chưa theo kịp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Chính vì thế để quản lý có hiệu quả thông tin mạng, trước hết cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ngành Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng các giải pháp kỹ thuật; chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức cho người dân. Phối hợp với các cơ quan chức năng phát triển lực lượng, tổ chức đấu tranh trực diện trên Internet; tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý thông tin mạng.
Các ngành, các đơn vị liên quan, các cơ quan báo chí cần triển khai thực hiện hiệu quả Luật Báo chí 2016; triển khai có hiệu quả “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo” của Hội Nhà báo Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017); xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Ngành Thông tin và Truyền thông cũng sẽ xây dựng, ứng dụng hệ thống công cụ đánh giá định lượng truy cập website; công cụ lọc và phát hiện tin giả, tin phản động, tin sai sự thật, công cụ đo lường theo thời gian thực mức độ lan truyền. Phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng phương án hành động khi xảy ra tình huống khẩn cấp; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua internet…
Công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân khi sử dụng mạng xã hội cũng rất cần thiết để quản lý thông tin trên môi trường mạng hiệu quả hơn. Trong công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí cần tập trung làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các đối tượng tung tin giả, tin xấu, tin độc hại trên Internet. Tích cực tuyên truyền, làm cho người dân thấy rõ tính hai mặt của internet, mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực. Đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, cung cấp, cập nhật thường xuyên hệ thống văn bản pháp luật, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước.
Ngành Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan báo chí sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý báo chí để đảm bảo việc xây dựng và gìn giữ uy tín cho báo chí chính thống. Bên cạnh các sản phẩm báo chí chính thống, các cơ quan báo chí cũng cần mở rộng các chuyên trang trên môi trường mạng để cung cấp thông tin chính thức, kịp thời hơn cho công chúng. Đồng thời phản bác, loại trừ các thông tin sai trái, độc hại trên Internet. Các cơ quan Nhà nước cũng cần có nhiều kênh thông tin trên môi trường mạng để đưa thông tin đến người dân dễ dàng hơn, kịp thời hơn.
Đối với người dân, sử dụng mạng xã hội phải có trách nhiệm khi đăng tải nội dung, bình luận trên mạng xã hội; có trách nhiệm khi chia sẻ lại nội dung của người khác trên mạng xã hội; có trách nhiệm đính chính khi viết sai và phản bác thông tin sai sự thật.
Công tác quản lý Internet, mạng xã hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều ngành, do đó cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thông tin và Truyền thông cùng các ngành có liên quan để có thể quản lý hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau trong thế giới phẳng là hết sức cần thiết. Cùng lên tiếng, cùng có biện pháp xử lý kịp thời và cung cấp thông tin chính thống để phản hồi, đấu tranh với tin giả, tin xấu, tin độc hại cũng là giải pháp hữu hiệu.
Với tính chất rất khó khăn và phức tạp trong quản lý thông tin trên mạng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, việc tham gia của các tổ chức quần chúng, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản lý thông tin trên môi trường mạng.
5 bước căn bản xử lý thông tin trên mạng 1. Rà quét, phát hiện thông tin vi phạm. 2. Lựa chọn link gốc (nhiều view, nhiều share, nhiều bình luận) để ngăn chặn gỡ bỏ. 3. Tìm kiếm, xác định người tung tin để xử lý. 4. Cung cấp thông tin chính thống để đính chính tin đồn. 5. Trong trường hợp đặc biệt, sử dụng các biện pháp hướng lái dư luận, pha loãng thông tin để giảm sự chú ý của dư luận về chủ đề đấy. |
TRẦN THANH HƯNG
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông