Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một trong những nội dung cơ bản của giáo dục toàn diện. Và để thực hiện hiệu quả nội dung này, sự nêu gương của người lớn, thầy cô giáo có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nâng cao vai trò nêu gương
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái, giáo dục đạo đức, lối sống là một hoạt động rất quan trọng trong nhà trường. Nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm hoạt động này và triển khai bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Ngoài các giờ học chính khóa theo sách giáo khoa, các trường còn tăng cường các giờ học ngoại khóa, các hoạt động tập thể... để tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức cho học sinh. Về cơ bản, học sinh có ý thức trau dồi đạo đức, lối sống cả ở trường và ở nhà.
Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh chưa ngoan, còn nói bậy hoặc đánh nhau với bạn. Do đó, năm học 2019-2020, cả các bậc phụ huynh và thầy cô cần phải nỗ lực, có giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các cấp.
Nhận thức được điều này nên ngay từ đầu năm học mới, các trường trên địa bàn tỉnh đều tập trung cho công tác này. Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2019-2020, thầy Lê Minh Sanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa), nhắn nhủ rằng để trẻ trở thành con ngoan, trò giỏi, cần làm tốt mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường và xã hội.
Trong đó, gia đình giữ vai trò quan trọng hàng đầu bởi đây là nơi trẻ gắn bó, gần gũi nhất. Nhà trường là nơi cùng dìu dắt, định hướng, giúp học sinh trau dồi kiến thức. Xã hội là môi trường để học sinh rèn luyện, trải nghiệm. Ba yếu tố này có mối liên hệ rất chặt chẽ.
Nếu trẻ ngoan ở trường, nhưng về nhà cha mẹ không gương mẫu, con cái sẽ ảnh hưởng không nhỏ, hoặc nếu cha mẹ “khoán trắng” cho nhà trường việc giáo dục, dạy dỗ trẻ thì thực sự các bậc cha mẹ chưa làm hết trách nhiệm đối với chính con em mình.
Hiện nay, nội dung chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được giảng dạy xuyên suốt từ tiểu học đến THPT trong các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Các trường học được chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động học tập tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, theo các giáo viên, nói gì hay dạy gì thì tính nêu gương từ chính các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ vẫn rất quan trọng.
Giáo dục trẻ thông qua trải nghiệm thực tế gói bánh chưng. Ảnh: THÚY HẰNG |
Phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm
Một trong ba vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức, đó là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Phó Thủ tướng yêu cầu các nhà trường bám sát các khẩu hiệu “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tiên học lễ, hậu học văn” và “5 điều Bác Hồ dạy”.
Vì vậy, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. “Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp giảng dạy, giáo dục học sinh, là người phối hợp liên kết với giáo viên bộ môn, các đoàn thể trong nhà trường, giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Vì vậy, tôi mong muốn giáo viên chủ nhiệm cần làm hết trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Không chỉ thực hiện đồng bộ các hoạt động, trong giáo dục đạo đức học sinh đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải có phương pháp, hình thức giáo dục thích hợp, phải được đặt trong môi trường giáo dục thân thiện để nhân cách học sinh được hình thành một cách chủ động, tự nguyện, như một nhu cầu của học sinh”, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT nói.
Lực lượng chính làm công tác này là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này là không dễ dàng, thậm chí là quá sức nặng nề vì họ phải vừa là nhà quản lý, vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là người dạy học, trong khi đó họ chỉ được đào tạo là giáo viên đứng lớp giảng dạy mà chưa qua một lớp kỹ năng quản lý, tâm lý bài bản nào. Hy vọng ngành Giáo dục tạo điều kiện để các giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng khi thực hiện nhiệm vụ này.
THÚY HẰNG