Bộ GD-ĐT vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri Phú Yên gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Cử tri kiến nghị hiện ở một số địa phương, nhiều giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên THCS có trình độ trung cấp, cao đẳng nhưng dạy rất tốt, vững chuyên môn, nghiệp vụ, nếu chuẩn hóa theo quy định của dự thảo Luật Giáo dục thì sẽ gặp vấn đề về việc thiếu giáo viên đủ tiêu chuẩn. Cử tri đề nghị xem xét, xây dựng lộ trình, chính sách phù hợp khi áp dụng quy định trình độ chuẩn của giáo viên các cấp học để tránh tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, lãng phí những giáo viên có kinh nghiệm nhưng không đủ chuẩn theo quy định.
Bộ GD-ĐT trả lời như sau: Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, giảng viên đại học đã được quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2020. Tại khoản 2 của điều này cũng đã giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, xác định lộ trình dự kiến trong 10 năm (từ năm 2020-2030) để thực hiện việc đào tạo nhà giáo chưa đạt chuẩn, bảo đảm mục tiêu đến hết năm 2030 có 100% giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi. Trong quá trình thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo, ngành Giáo dục vẫn sử dụng có hiệu quả nhà giáo có trình độ chưa đạt chuẩn nhưng có kiến thức, năng lực, vững vàng về chuyên môn.
PV