Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Cường cho biết, UBND tỉnh vừa triển khai kế hoạch thực hiện đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch này, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 55% trường THCS, 60% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Phấn đấu đạt ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp; 45% học sinh tốt nghiệp THPT theo học trình độ cao đẳng.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, việc định hướng phân luồng học sinh phải phù hợp với thực tế địa phương, phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sự đồng thuận của xã hội trong công tác giáo dục hướng nghiệp, đặc biệt là sự thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh học sinh về giáo dục nghề nghiệp.
THÚY HẰNG