Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành TT-TT được xem là hạ tầng của hạ tầng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử và triển khai các dịch vụ đô thị thông minh.
Ngày 28/8/1945, Bác Hồ ký sắc lệnh đầu tiên thành lập các bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền. Ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 258/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hàng năm là “Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Việt Nam”.
Từng bước khẳng định vai trò
Trải qua 74 năm hoạt động, ngành TT-TT qua nhiều lần thay đổi tên gọi cho phù hợp với nhiệm vụ, ngành TT-TT đã không ngừng lớn mạnh toàn diện, đạt được thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành TT-TT được xem là hạ tầng của hạ tầng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử và triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, đảm bảo an toàn an ninh mạng, phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.
Hiện nay, ngành TT-TT có 6 lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, lĩnh vực bưu chính gồm hạ tầng, hoạt động chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử. Lĩnh vực viễn thông gồm toàn bộ hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số, xã hội số. Lĩnh vực công nghệ thông tin là nền tảng của chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, các dịch vụ đô thị thông minh. Lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, các hoạt động tạo ra một không gian mạng an toàn nhằm thúc đẩy nền kinh tế số, một xã hội số phát triển an toàn.
Đổi mới sáng tạo cả về công nghệ, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị sẽ giúp Phú Yên và miền Trung bứt phá. Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Lĩnh vực công nghiệp ICT là lĩnh vực phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, công nghiệp sản xuất phần mềm, phần cứng, điện tử - viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, nội dung số, an ninh mạng, sản xuất thiết bị internet kết nối vạn vật, phát triển và ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Lĩnh vực thông tin tuyên truyền bao gồm hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại.
Cùng sự phát triển chung, ngành TT-TT Phú Yên đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Được thành lập từ năm 2008, tiền thân là Sở Bưu chính, Viễn thông tỉnh Phú Yên (nay là Sở TT-TT Phú Yên), sau 11 năm hoạt động, với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ TT-TT; quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo sở và toàn thể cán bộ công chức, viên chức vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, đoàn kết vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp, đưa ngành TT-TT Phú Yên ngày càng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đạt được những thành tựu quan trọng
Về lĩnh vực bưu chính viễn thông, hiện toàn tỉnh Phú Yên đã có 83/88 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó có 79 điểm đang hoạt động, góp phần quan trọng vào các dịch vụ hành chính công, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi. Riêng Trung tâm Dịch vụ hành chính công đặt tại Bưu điện tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019 đã tiếp nhận 377 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và chuyển trả 51.845 hồ sơ qua hệ thống bưu chính.
Về lĩnh vực viễn thông, tổng doanh thu hoạt động lĩnh vực này 6 tháng đầu năm đạt được 486,5 tỉ đồng, nộp ngân sách được 17,5 tỉ đồng, điện thoại cố định có 20.948 thuê bao, di động đã có 821.443 thuê bao, internet băng rộng cố định là 117.994, băng rộng di động là 308.403. Toàn tỉnh có 1.051 trạm BTS đang hoạt động.
Việc ứng dụng CNTT đang được đẩy mạnh để góp phần cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Hiện có 100% sở, ngành và địa phương sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc, 80% văn bản đi/đến được xử lý song song giữa giấy và điện tử, 20% văn bản xử lý hoàn toàn điện tử.
![]() |
Công bố thỏa thuận hợp tác giữa Bộ TT-TT và UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Trục liên thông văn bản tỉnh được xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 3 nhà cung cấp đang triển khai tại các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tổng số văn bản gửi, nhận qua Trục liên thông (nội tỉnh) tại các cơ quan, đơn vị từ đầu năm đến nay là 219.962 (gửi 48.522 văn bản, nhận 171.440 văn bản). Đến nay, Sở TT-TT Phú Yên đã cấp 1.506 chứng thư số, trong đó có 1.067 chứng thư số cá nhân và 439 chứng thư số cho tổ chức, đạt 100% mục tiêu.
Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Yên chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 1/2017, đến nay cơ bản đáp ứng được việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên hệ thống, giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và giải quyết dịch vụ hành chính công, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình nộp hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Hiện nay, 142 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ. Chỉ tính riêng trong tháng 7, số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên cổng là 18.229 hồ sơ trong đó: số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết ở mức độ 3, 4 là 274 hồ sơ, chiếm trên 1,5%.
Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh (mail.phuyen.gov.vn) đã cấp trên 6.300 tài khoản cho cơ quan, đơn vị; 100% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc.
Lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Phú Yên hiện có 59 hệ thống thông tin nội bộ dùng chung do Sở TT-TT Phú Yên trực tiếp quản lý. 18/33 đơn vị sở, ngành, địa phương có trang bị tường lửa bảo vệ hệ thống; 33/33 đơn vị thiết lập bảo mật hệ thống mạng không dây; 29/33 đơn vị trang bị lọc thư rác; 33/33 đơn vị trang bị phần mềm bảo mật/diệt virus. Có 30/33 đơn vị (tỉ lệ 90,9%) đã ban hành quy chế, quy định về đảm bảo an toàn thông tin trong nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Ngoài Trung tâm Dữ liệu và Dịch vụ viễn thông được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh thông tin, Phú Yên cũng đã thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, thường xuyên ban hành văn bản thông báo cơ quan, ban ngành, địa phương để cảnh báo nguy cơ lây nhiễm mã độc, cảnh báo các lỗ hổng các trang web để biết cách phòng ngừa, ngăn chặn việc tấn công gây mất an toàn thông tin mạng; kịp thời ngăn chặn các IP tấn công. Phối hợp với Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng của Cục An toàn thông tin giám sát các hệ thống tên miền trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động báo chí, xuất bản tại Phú Yên đảm bảo đúng định hướng, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng cao của người dân. Công tác quản lý báo chí dần đi vào quy củ.
Đứng trước thách thức lớn
Phát biểu tại Hội thảo CNTT-TT Việt Nam lần thứ 23 tại Phú Yên mới đây, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến yếu tố nguồn nhân lực cần cù, ham học, học giỏi, có ý chí vươn lên của người dân miền Trung nói chung, Phú Yên nói riêng. Đây là yếu tố quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng về công nghệ, nhất là các công nghệ số, điều quyết định không phải máy móc mà là trí tuệ con người.
Các yếu tố khác như: Hạ tầng viễn thông - CNTT, nền tảng của kinh tế số và xã hội số; chính quyền điện tử; chính sách và thể chế; chuyển đổi số…, Phú Yên và các tỉnh miền Trung phải quyết tâm đi nhanh hơn mới bứt phá lên được. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Phú Yên và các tỉnh miền Trung không có nhiều thứ để mất, và vì vậy có thể chấp nhận cái mới nhanh hơn. Chấp nhận cái mới thì công nghệ mới, nhân tài công nghệ, doanh nghiệp công nghệ sẽ về miền Trung. Đổi mới sáng tạo cả về công nghệ, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị sẽ giúp Phú Yên và miền Trung bứt phá.
Với địa bàn 20 triệu dân là đủ lớn để miền Trung làm cái nôi phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới, nên cũng cần rất nhiều doanh nghiệp công nghệ địa phương để tư vấn, chuyển giao, triển khai công nghệ, đưa công nghệ ứng dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cứ 1.000 người dân phải có ít nhất 1 doanh nghiệp công nghệ địa phương…
Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn đối với ngành TT-TT trong giai đoạn hiện nay.
TRẦN THANH HƯNG
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông