Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 220.000 điều dưỡng viên. Vậy nên, trong thời gian qua đã có nhiều loại hình đào tạo khác nhau với các bậc học từ trung cấp đến đại học cho người học và hành nghề điều dưỡng.
Ban Quản lý dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) - Bộ Y tế và Trường cao đẳng Y tế Phú Yên vừa tổ chức Hội thảo khoa học Bảo đảm chất lượng trong đổi mới chương trình đào tạo Điều dưỡng cao đẳng dựa trên năng lực, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về bảo đảm chất lượng và 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo y tế trong cả nước.
Gắn kết giữa lý thuyết và thực hành
Ở Việt Nam, trước đây, nhân viên điều dưỡng thường được gọi chung là y tá, nghĩa là người phụ tá của thầy thuốc. Ngày nay, điều dưỡng đã được xem là một nghề độc lập trong hệ thống y tế, với nhiều cấp bậc, trình độ và đã được quy định rất cụ thể, chi tiết trong hệ thống ngạch bậc công chức theo các văn bản quy định của Nhà nước.
Cùng với sự phát triển của nền y học nước nhà, những năm gần đây, ngành Điều dưỡng tại Việt Nam đã có những bước nhảy vọt về kỹ năng thực hành, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thông tin tại hội thảo cho biết, hiện nay, chuẩn năng lực cơ bản điều dưỡng Việt Nam có ba lĩnh vực: lĩnh vực thực hành chăm sóc, điều dưỡng viên - cần đưa ra quyết định chăm sóc phù hợp với bệnh nhân, dùng thuốc đảm bảo an toàn hiệu quả…; lĩnh vực quản lý và phát triển nghề nghiệp, điều dưỡng phải hợp tác tốt với các thành viên trong nhóm chăm sóc, quản lý, ghi chép, sử dụng hồ sơ bệnh án theo quy định…; lĩnh vực pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, điều dưỡng phải hành nghề theo quy định của pháp luật và chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Trách nhiệm của một điều dưỡng viên vô cùng quan trọng và cần thiết. Sự gắn bó của người điều dưỡng với bệnh nhân ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình trị liệu của bệnh nhân. Chính vì thế mà năng lực của đội ngũ lao động này phải được nâng cao hơn, đòi hỏi khắt khe hơn. |
Để áp dụng những chuẩn năng lực cơ bản này vào đào tạo điều dưỡng, BSCKII Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên cho biết: Trách nhiệm của một điều dưỡng viên vô cùng quan trọng và cần thiết. Sự gắn bó của người điều dưỡng với bệnh nhân ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình trị liệu của bệnh nhân.
Chính vì thế mà năng lực của đội ngũ lao động này phải được nâng cao hơn, đòi hỏi khắt khe hơn. Trong chương trình đào tạo, nhà trường luôn cập nhật kiến thức điều dưỡng của những nước có nền y học phát triển, có sự gắn kết giữa lý thuyết với thực hành lâm sàng… Sinh viên được tăng thời gian thực hành, thực tập, tiếp cận trực tiếp với bệnh nhân để hình thành những kỹ năng chăm sóc người bệnh…
Là một trong những trường cao đẳng có uy tín trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng khoa Y Trường cao đẳng Y tế Hà Nội, chia sẻ: Nhà trường đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo hướng tích hợp dựa trên năng lực, trong đó tập trung vào yếu tố đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo theo hướng phù hợp với Việt Nam và hội nhập quốc tế, lấy sinh viên làm trung tâm, hướng tới sự hài lòng của các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực điều dưỡng.
Người học cần chủ động
Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đồng Tháp Nguyễn Tấn Hưng cho hay: Ngành Điều dưỡng nói riêng, nhóm ngành sức khỏe nói chung đang được Bộ GD-ĐT thắt chặt hơn để bảo đảm chất lượng đầu vào, đầu ra của sinh viên. Dựa vào nhu cầu thực tế xã hội cần thiết về nhân lực điều dưỡng như vậy mà các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y vạch ra chiến lược đào tạo cho riêng mình.
Sự cần thiết về điều dưỡng viên không chỉ là cần về số lượng mà còn cả chất lượng vì bệnh nhân, gia đình người bệnh đưa ra đòi hỏi người chăm sóc cho mình phải có tay nghề vững vàng, xử lý tình huống tốt và chuyên môn chuẩn xác nhất.
“Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cơ sở đào tạo, rất cần đến sự góp sức của bản thân từng sinh viên. Các sinh viên khi học cao đẳng điều dưỡng phải cố gắng hết sức, tăng cường học tập, thực hành, trau dồi kỹ năng cho bản thân để khi làm việc không còn bỡ ngỡ, lạ lẫm”, ông Hưng nhấn mạnh.
Nghề điều dưỡng được ví von là nghề nghiệp toàn cầu. “Không chỉ Việt Nam mới thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này mà đây là tình trạng của toàn cầu. Nhất là đối với các nước phát triển trên thế giới như Đức, Nhật, Úc, Canada thì càng cần thiết bởi vì nền y học của họ phát triển hơn, nhiều bệnh viện, nhiều phòng khám, nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe.
Dù nguồn nhân lực điều dưỡng đang thiếu, nhưng không thể vì điều đó mà công tác đào tạo sinh viên được lơ là, buông lỏng. Nhân lực ngành điều dưỡng cần phải được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới để phục vụ cho đất nước”, ThS Nguyễn Nhị Hà, đại diện dự án HPET nói.
PGS-TS LÊ QUANG MINH, GIÁM ĐỐC DỰ ÁN KỸ NĂNG NGHỀ NGHIỆP VIỆT NAM (VSEP): Đổi mới nâng cao chất lượng cần phải thực hiện liên tục
Không có một định nghĩa chung về chất lượng giáo dục thống nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giáo dục nói chung, đào tạo Điều dưỡng nói riêng thì khâu đầu tiên phải nói đến là cải tiến chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo phải làm sao để sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đạt được năng lực đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng không chỉ trong nước mà cả các nước trong khu vực và trên thế giới yêu cầu. Yếu tố thứ hai không thể thiếu trong đảm bảo chất lượng đó là đội ngũ giáo viên. Bởi khi mình đã có chương trình đào tạo tốt rồi thì phải có đội ngũ giáo viên tốt, đủ năng lực để truyền đạt đến người học.
Mặt khác, việc cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng này cần phải thực hiện liên tục, không ngừng theo sự phát triển của quốc gia và quốc tế, trong đó chú trọng đến các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và kết nối - phục vụ cộng đồng.
BSCKII BÙI TRẦN NGỌC, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ PHÚ YÊN: Giảng dạy theo chương trình chuẩn năng lực của người điều dưỡng
Điều dưỡng viên là những người sát cánh với bác sĩ, là người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Công việc này không ngoại lệ với bất cứ bệnh viện, phòng khám hay quốc gia nào.
Là một trong những trường được thụ hưởng các dự án lớn như dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) - Bộ Y tế, dự án Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam (VSEP), dự án Ngành, nghề trọng điểm; đặc biệt là trường được Bộ LĐ-TB-XH lựa chọn vào danh sách trường chất lượng cao để trình Chính phủ phê duyệt nên Trường cao đẳng Y tế Phú Yên rất coi trọng việc đảm bảo chất lượng trong đổi mới chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng - một ngành học chủ lực của trường. Hiện các môn học mà nhà trường giảng dạy thực hiện dựa trên việc xây dựng chương trình chi tiết theo chuẩn năng lực của người điều dưỡng Việt Nam và ASEAN. Ngoài nắm vững kiến thức chuyên môn, nhà trường còn yêu cầu sinh viên tích cực trau dồi thêm kiến thức ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp… Với cách dạy và học này, hơn 90% sinh viên ngành Điều dưỡng của trường sau khi tốt nghiệp tìm được công việc ổn định, đúng với ngành nghề đã học. |
THÚY HẰNG