Nhìn vào điểm trúng tuyển vừa được các trường đại học công bố, cho thấy điểm chuẩn năm nay chịu sự tác động lớn từ xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh.
Chọn ngành theo xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế
Năm nay, điểm chuẩn theo điểm thi THPT quốc gia 2019 vào ngành Y khoa của các trường ở nhiều mức khác nhau. Dẫn đầu điểm chuẩn ngành này vẫn là Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh với 26,7 điểm và Trường đại học Y Hà Nội với 26,75 điểm. Mức điểm này tuy tăng so với năm ngoái nhưng không còn dẫn đầu về điểm chuẩn.
Cùng ngành Y khoa, nhưng các trường đại học công lập khác điểm chuẩn chỉ ở khoảng trên dưới 8 điểm/môn (đã gồm điểm ưu tiên). Chẳng hạn như Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm nay điểm chuẩn ngành này chỉ ở 23,5 điểm (thí sinh hộ khẩu TP Hồ Chí Minh) và 24,65 điểm (thí sinh hộ khẩu địa phương khác).
Điểm chuẩn chịu sự tác động rất lớn từ xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh, mà xu hướng này năm nay bám sát với sự dịch chuyển nền kinh tế. Vì vậy, các ngành về dịch vụ, công nghệ cao được thí sinh lựa chọn nhiều. |
So với năm trước, chỉ tăng nhẹ từ 1,5 đến gần 2 điểm. Khoa Y (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng có điểm chuẩn ở mức 23,95 với ngành Y khoa chất lượng cao. Trường đại học Tây Nguyên 23 điểm; Trường đại học Y Dược Cần Thơ 24,3 điểm...
Trong khi đó, hầu hết các ngành liên quan đến khoa học máy tính và công nghệ thông tin ở các trường đều rất cao. Chẳng hạn ngành Khoa học máy tính của Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh có điểm chuẩn 25,75 điểm. Các trường khối kinh tế cũng có điểm cao tương tự. Chẳng hạn với Trường đại học Kinh tế - Luật lấy 25,7 điểm với ngành Kinh tế quốc tế, chương trình kinh tế đối ngoại. Còn Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh ngành cao nhất là Kinh doanh quốc tế với 25,1 điểm.
Khối ngành có điểm chuẩn không thay đổi nhiều đó là các ngành kỹ thuật. Nhiều ngành thuộc khối này, thí sinh trúng tuyển với điểm trung bình mỗi môn chưa tới 5 dù đã gồm điểm ưu tiên. Chẳng hạn tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, điểm chuẩn trúng tuyển của tất cả các ngành kỹ thuật chỉ là 13, nhưng số lượng thí sinh trúng tuyển vẫn không nhiều so với những năm trước.
Tương tự, khối ngành sư phạm năm nay hầu như chỉ có các trường ở thành phố lớn tuyển sinh thuận lợi, còn các trường địa phương đều gặp khó. Tại tỉnh ta, kết thúc đợt 1 tuyển sinh, Trường đại học Phú Yên tuyển chưa được 100 chỉ tiêu. Nguyên nhân lớn làm cho thí sinh không chọn học sư phạm là do rất khó xin được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Phân tầng chất lượng giữa các trường
“Qua việc các trường công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 cho thấy trong bức tranh xét tuyển đợt 1 năm 2019 thể hiện rõ sự phân tầng chất lượng trong cả hệ thống”, đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT sau khi các trường đại học đồng loạt công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 năm 2019.
Theo bà Phụng, mặt bằng điểm trúng tuyển của hầu hết các trường năm nay đều tăng nhẹ so với năm ngoái. Sự phân tầng chất lượng trong cả hệ thống thông qua điểm chuẩn bộc lộ ở những biểu hiện như bên cạnh một số trường tốp dưới còn lấy dưới 15 điểm thì những trường có chính sách chất lượng tốt và có những lợi thế khác đã lấy tới 26-27 điểm. Các con số này được công khai là những thông tin rất hữu ích cho người học chọn trường, cho người sử dụng lao động chọn sinh viên sau khi tốt nghiệp; đồng thời cũng phản ánh sự minh bạch về chất lượng trong tuyển sinh và đào tạo…
Theo thống kê từ dữ liệu tuyển sinh, kết thúc xét tuyển đợt 1, cả nước có khoảng 49% trường đại học có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% trường tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có thể nói công tác tuyển sinh năm 2019 đã gần như hoàn tất. Hiện các trường đợi thí sinh trúng tuyển nhập học. Trường nào tuyển chưa đủ chỉ tiêu thì tiếp tục xét tuyển ở các đợt tiếp theo.
Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy, đa số các trường xét tuyển ở các đợt tiếp theo là những trường ở tốp dưới, các trường tốp trên nếu có tiếp tục xét tuyển thì cũng rất ít chỉ tiêu nên thí sinh cần theo dõi chặt chẽ, tránh tình trạng tiếp tục bị rớt.
THÚY HẰNG