* Ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học
Đó là chủ đề hội thảo khoa học vừa được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghệ cao (Viện hàn lâm KH-CN Việt Nam) tổ chức. Tham dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ Công thương) Trần Minh; lãnh đạo Sở KH-CN Phú Yên; các nhà khoa học và các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, cho biết Việt Nam có 28 tỉnh, thành có biển, đây là điều kiện cho phép khai thác nhiều lợi thế về kinh tế biển. Thống kê gần đây cho thấy, kinh tế biển Việt Nam đóng góp khoảng 47-48% GDP.
Tuy nhiên, dù được sở hữu một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, nhưng do tàu không đủ công suất đánh bắt xa bờ; công nghệ bảo quản cá không đảm bảo; kỹ năng khai thác chưa cao… nên ngư dân Việt Nam chủ yếu đánh bắt cá ven bờ.
Do đó, nếu được đào tạo tốt, được trang bị phương tiện tàu thuyền đạt tiêu chuẩn và được trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ năng khai thác và bảo quản hải sản thì nghề đánh bắt xa bờ của khu vực miền Trung nói riêng, của nước ta nói chung sẽ giữ một vai trò quan trọng.
Với ý nghĩa đó, hội thảo đã chia sẻ thông tin các thành tựu mới về khoa học ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ; đồng thời định hướng phát triển những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng công tác này.
Cùng ngày, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và Trung tâm Phát triển công nghệ cao (Viện hàn lâm KH-CN Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Theo đó, hai bên cùng xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; trao đổi chuyên môn, hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng KH-CN, chuyển giao công nghệ…
THÚY HẰNG