Thứ Hai, 24/02/2025 12:12 CH
Văn hóa ứng xử trong trường học: Đừng chỉ nói suông
Chủ Nhật, 28/04/2019 13:00 CH

Cô Nguyễn Thị Quỳnh ân cần chăm sóc học sinh bán trú trong bữa ăn tại Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa) - Ảnh: THÚY HẰNG

Sau quá nhiều sự việc liên quan tới ứng xử thiếu chuẩn mực trong trường học thời gian gần đây, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (gọi chung là cơ sở giáo dục). Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa, điều chỉnh và xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới.

 

Xây dựng chuẩn mực về hành vi

 

TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục được xây dựng trên các nguyên tắc: Tuân thủ các quy định của pháp luật; phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc.

 

Thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

 

Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của người học; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục.

 

Quy tắc ứng xử nêu rõ: cán bộ quản lý giáo dục khi ứng xử với học sinh cần dùng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học.

 

Với giáo viên và nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục phải bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên. Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi.

 

Đối với ứng xử của giáo viên với học sinh, thông tư quy định giáo viên khi khen hoặc phê bình phải phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học. Với cha mẹ người học, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ; không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.

 

Quy tắc ứng xử cũng nêu rõ các chuẩn mực ứng xử dành cho học sinh. Cụ thể, với thầy cô, học sinh phải kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, tuân thủ kỷ luật; không bịa đặt thông tin. Với bạn bè, học sinh phải thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.

 

Đặc biệt, một trong những nội dung của quy tắc chung là không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

 

Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục nhằm ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục; xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, để thực hiện được mục đích này cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

 

Cụ thể hóa hành vi bằng cách nêu gương

 

Thời gian vừa qua, dư luận xót xa trước hàng loạt vụ việc đáng buồn xảy ra trong ngành Giáo dục. Nhiều người cho rằng đó không chỉ còn là hiện tượng mà là xu thế lan rộng, là lỗi của hệ thống, của cách tổ chức mà ngành Giáo dục cần chấn chỉnh ngay.

 

Cô Nguyễn Thị Quỳnh, Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Nhà giáo có vị trí và ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách học sinh. Mỗi lời nói, hành động của người thầy đều tác động trực tiếp đến các em. Đặc biệt, với học sinh tiểu học, thầy cô giáo như hình mẫu để các em học và làm theo. Chỉ cần hành vi của thầy cô giáo không chuẩn mực sẽ phản tác dụng trong quá trình dạy và học.

 

Đồng quan điểm này, một giáo viên ở Trường THCS Hòa Quang (huyện Phú Hòa) cho hay: Giáo viên là người gần gũi học sinh hàng ngày, do đó, cùng với dạy văn hóa, người thầy cũng cần giúp học sinh nhận thức rõ những nét đẹp trong cách ứng xử văn hóa. Phải nhìn thấy giá trị của những hành vi đó thì các em mới tiếp nhận nó một cách tự nhiên, giúp các em phân biệt được những chuẩn mực hành vi để sử dụng chúng đúng lúc và đúng cách.

 

Để làm được điều này, hơn ai hết, khi giáo dục cho học sinh, người thầy luôn luôn phải tự bồi dưỡng hiểu biết và vốn sống để mình trước hết phải là người có văn hóa và cư xử có văn hóa. Chỉ có sự hiểu biết, tính gương mẫu và hết lòng vì học sinh của cán bộ quản lý lẫn giáo viên mới có thể đạt được hiệu quả trong hoạt động giáo dục.

 

Các mối quan hệ chủ đạo trong môi trường học đường gồm cán bộ quản lý - giáo viên, giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh, gia đình - nhà trường. Thời gian qua, các trường phổ thông đã xây dựng được các quy tắc ứng xử trong nhà trường nhưng về cơ bản còn chung chung, đa số học sinh chưa quan tâm, giáo viên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện…

 

Với quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, các cơ sở giáo dục sẽ có cơ sở để nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục toàn diện và văn hóa học đường đảm bảo các điều kiện để xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

 

TS PHẠM VĂN CƯỜNG, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN: Cần sự chung tay của toàn xã hội

 

Dù hệ thống văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học đã có nhưng một số ít quy định trong đó vẫn còn chung chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả.

 

Trong khi đó, giáo dục những hành vi giao tiếp, ứng xử văn hóa trong nhà trường là một việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng. Nó đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Chúng ta không thể “khoán” cho nhà trường, giao cho thầy cô loay hoay tìm cách để giáo dục học sinh mà bản thân mỗi cơ quan, ban ngành trong xã hội, mỗi người và cả các thầy, cô giáo đều cần bắt tay làm với tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt là đội ngũ quản lý, giáo viên và nhân viên trường học là yếu tố rất quan trọng. Điều này đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải thực sự gương mẫu và là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo.

 

THẦY TRƯƠNG HẢI TÂN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT TRẦN SUYỀN: Tạo dựng những nét đẹp trong môi trường sư phạm

 

Xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học được coi là nhiệm vụ có tính sống còn đối với từng nhà trường. Thông qua hoạt động dạy và học, tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường sẽ trang bị tri thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh để giúp các em có trí tuệ, năng lực đầy đủ, hành vi, ý thức trách nhiệm sau khi các em rời ghế nhà trường.

 

Do đó, ngoài trang bị kiến thức bộ môn, trường còn tổ chức nhiều hoạt động bổ ích khác cho giáo viên, học sinh như tìm hiểu môi trường xung quanh, lịch sử địa phương, lịch sử nhà trường, các buổi ngoại khóa vừa học vừa chơi, hoạt động thể dục - thể thao… Thông qua các hoạt động này, mối quan hệ giáo viên và học sinh được cải thiện, kỷ cương trật tự nhà trường được xây dựng, củng cố.

 

Riêng với những học sinh chưa ngoan, nhà trường luôn chủ động phối hợp với gia đình để tìm giải pháp giáo dục, rèn luyện cho các em. Thực tế cho thấy, nếu có sự phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì học sinh đó sẽ chăm ngoan, nỗ lực học tập.

 

Nói tóm lại, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là tạo dựng những nét đẹp trong toàn bộ môi trường sư phạm. Những nét đẹp đó được thể hiện trong hành vi của thầy, của trò, của cán bộ quản lý và nhân viên trong nhà trường.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek