Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh tiểu học dân tộc thiểu số (DTTS) cấp tỉnh năm học 2018-2019 diễn ra với nhiều phần thi hấp dẫn, ấn tượng. Đây là một sân chơi bổ ích, tạo cơ hội để học sinh DTTS nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử bằng tiếng Việt; qua đó bồi đắp cho các em tình yêu tiếng Việt và ý thức giữ gìn sự phong phú, trong sáng của tiếng Việt và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Sân chơi bổ ích, thiết thực
Lần đầu tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh nên Niê Hờ Thúy, lớp 5A, Trường tiểu học Sông Hinh (huyện Sông Hinh) không tránh được bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự động viên từ thầy cô giáo và các bạn, cô học trò người Ê Đê đã dạn dĩ lên sân khấu thể hiện bài hát “Cánh én tuổi thơ” đầy cảm xúc. Hờ Thúy bộc bạch: “Đến ngày hội, em được gặp gỡ và giao lưu với rất nhiều bạn từ các dân tộc khác nhau. Các bạn kể nhiều câu chuyện rất ý nghĩa, hát hay, mặc đồ truyền thống của dân tộc mình rất đẹp. Qua đây, em cảm thấy mình mạnh dạn hơn và yêu thích học tiếng Việt hơn”.
Không riêng Hờ Thúy, 59 học sinh DTTS đại diện cho hơn 6.300 học sinh DTTS của 3 huyện miền núi: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh lần này đã có 3 ngày hội ý nghĩa và bổ ích. Các em đã mang đến chương trình 27 tiết mục hát, 26 câu chuyện kể, 2 bài thơ, 5 tiết mục múa cá nhân ấn tượng, độc đáo cùng phần giao lưu tập thể mang đậm bản sắc văn hóa của DTTS, địa phương mình đang sinh sống.
Theo ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Phú Yên), thông qua các phần thi, các em không chỉ thể hiện sự am hiểu về kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Việt mà còn cho thấy khả năng hát múa, kể chuyện, đọc thơ rất hay và truyền cảm. “60 thí sinh tham gia chương trình đã thực sự vẽ nên một bức tranh sống động, đầy màu sắc về các DTTS trên đất Phú Yên.
Với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, chương trình giao lưu đã tạo nên không khí vui tươi, học mà chơi - chơi mà học phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học; kích thích sự hứng thú, say mê học tập môn Tiếng Việt. Thông qua chương trình giao lưu, khán giả càng hiểu và thêm trân trọng con người, nét đẹp văn hóa và cuộc sống của đồng bào các dân tộc anh em đang chung sống trên mảnh đất Phú Yên”, ông Hiệp cho hay.
Tăng cường bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh
Đưa 3 học sinh của Trường tiểu học Pi Năng Tắc cùng đoàn học sinh của huyện Sơn Hòa tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” trong 3 ngày tại huyện Đồng Xuân, cô Đỗ Thị Thu Hằng, giáo viên của trường, lúc nào cũng theo sát các em. Cô Hằng chia sẻ: “Qua cuộc giao lưu cấp huyện đến cấp tỉnh, tôi thấy các em đã dạn dĩ, tự tin hơn rất nhiều khi đứng trước đám đông thể hiện phần trình bày của mình.
Ở trường, để các em yêu thích học tiếng Việt, bên cạnh các giải pháp như: tăng cường phụ đạo, rèn chính tả, đọc viết, trường tôi còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ, sân chơi “Đố vui để học”… Ngoài ra, trường còn tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, tạo cơ hội để học sinh thể hiện năng khiếu, phát triển kỹ năng giao tiếp”.
Theo ông Phạm Trung Thành, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân, mặc dù tiếng Việt là công cụ, chìa khóa để học sinh DTTS tiếp cận với các môn học khác, nhưng hiện nay, học sinh tiểu học DTTS trên địa bàn huyện còn học yếu môn này, gây cản trở trong việc tiếp thu các môn học khác.
“Thời gian qua, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn huyện triển khai đồng loạt các giải pháp để củng cố, tăng cường kiến thức và kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh. Trong đó, quan tâm tạo môi trường, sân chơi để các em vận dụng tiếng Việt, phát triển khả năng giao tiếp, mạnh dạn và tự tin hơn, làm chủ trong học tập và cuộc sống”, ông Thành cho biết.
TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho hay: Thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 120 của UBND tỉnh về triển khai nội dung này giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp chăm lo, bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh DTTS, đặc biệt là các trường, điểm trường còn khó khăn.
Qua 7 lần tổ chức với chu kỳ 2 năm/lần, chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh DTTS của tỉnh đã phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần xóa đi rào cản về ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc, mở ra một sân chơi thiết thực cho học sinh DTTS, giúp nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt trong các em, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.
HÀ MY